Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Vẻ đẹp của âm nhạc dân gian Gia Lai

Ngày đăng: 02-05-2013, 03:00 - Lượt truy cập: 1089

Là một bộ phận trong âm nhạc dân gian cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên, âm nhạc dân gian Gia Lai chứa đựng nhiều giá trị độc đáo, không chỉ thể hiện trong các chất liệu chế tác nhạc cụ hay trong các lời hát dân ca mà còn thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất trong thang âm-điệu thức.


Âm nhạc dân gian của 2 tộc người Jrai, Bahnar luôn mang một vẻ đẹp nguyên sơ, thể hiện cụ thể trong từng làn điệu dân ca và trong từng nhạc điệu, nó không chỉ có ý nghĩa như một giá trị của lịch sử, văn hóa tộc người mà còn đáp ứng nhu cầu hoạt động và sáng tạo âm nhạc của đồng bào.


Để tìm hiểu về âm nhạc dân gian (ÂNDG) của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, tôi hẹn gặp thạc sĩ-nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai. Dù đã hẹn từ trước nhưng người từ những năm 1985 đã có những bài giới thiệu về loại ÂNDG này rồi vẫn miệt mài bên cây đàn. Anh đang ký âm và đặt lời cho một bài dân ca Bahnar vừa mới sưu tầm. Trong không gian ấy, câu chuyện của chúng tôi về ÂNDG của Gia Lai được mở ra, đến vô cùng.

 dangian.jpg
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Huy Tịnh

Chúng tôi nói về ÂNDG Jrai và Bahnar, mà không, phải nói chính xác là tôi ngồi nghe anh tâm sự về quá trình điền dã, tiếp xúc với các nghệ nhân rồi ghi âm, chụp ảnh để có thể sưu tầm, ký âm, phỏng dịch và đặt lời Việt cho các bài dân ca của hai tộc người này. Với ÂNDG Jrai, nó được đặt ở đúng vị trí khi anh xuất bản tập “Dân ca Jrai” và nó cũng là một phần không thể thiếu, là cái tinh túy nhất trong “Một số nét đặc trưng của ÂNDG Jrai ở Gia Lai”-một công trình nghiên cứu toàn diện và mang tính hệ thống về ÂNDG Jrai mà anh vô cùng tâm đắc. Còn với ÂNDG Bahnar, tập “Dân ca Bahnar” chuẩn bị ra mắt độc giả, thời gian tới anh sẽ xuất bản cuốn “Tìm hiểu thang âm điệu thức trong ÂNDG Bahnar”.


Cũng là dễ hiểu thôi, bởi thực ra, ÂNDG từ lâu đã thu hút sự quan tâm của anh. Những bài dân ca Jrai do các anh sưu tầm, đặt lời Việt đã được thu thanh và phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời được đưa vào chương trình môn học hát dân ca của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, được giới thiệu trên nhiều sân khấu hội thi, hội diễn nghệ thuật dân gian trong và ngoài tỉnh.


Trong quá trình sưu tầm, ký âm, anh đều thể hiện rất rõ sự tôn trọng những người đồng sáng tạo ra những làn điệu mượt mà, đằm thắm, trữ tình ấy. Mỗi bài dân ca đều ghi rất cụ thể tên, địa chỉ cụ thể của người hát và cũng ghi rất rõ ràng tên người sưu tầm, ký âm, phỏng dịch. Không những thế, chúng ta còn có thể được thưởng thức đầy đủ, nguyên vẹn những bài dân ca qua những lời ca của chính những người góp phần lưu giữ nó. Chính những người như Ksor Nao, Rơmah Win, Rơchăm Tih, H’Lim... đã đem lại sức sống và tôn thêm vẻ đẹp cho những Tul ia rơbai (ca ngợi quê hương), Tơlơi pơtô (lời khuyên), Pơngui ană (ru con) hay Alư-Nhik (hát giao duyên)...


Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan khẳng định: Giống như nhiều dân tộc anh em ở Tây Nguyên, từ ngàn đời nay, người Bahnar và Jrai  đã sản sinh ra một kho tàng văn hóa dân gian vừa phong phú vừa độc đáo, trong đó âm nhạc là một thành tố quan trọng, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, sáng tác trong và ngoài tỉnh quan tâm.


Có thể nói, âm nhạc hầu như có mặt trong tất cả các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của người Bahnar, Jrai: âm nhạc gắn liền với lễ hội, văn học, phong tục tập quán và là linh hồn của nhảy múa... Trải qua bao biến thiên của lịch sử, âm nhạc cũng như văn hóa dân gian của 2 tộc người này vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, hồn nhiên, lắng đọng nhưng không kém phần tinh tế, bay bổng như chính bản chất các chủ thể đã sáng tạo ra nó.  


Với ÂNDG Bahnar, sự mộc mạc, nguyên sơ trong chất liệu chế tác nhạc cụ; sự mềm mại, uyển chuyển trong giai điệu, tiết tấu; âm hưởng đượm buồn, lắng đọng nhưng lại tinh tế vang xa; tất cả những điều đó đã tạo nên một phong cách độc đáo, vừa gần gũi, hồn nhiên, trầm hùng và chững chạc vừa linh thiêng, xa xăm huyền thoại, đặc biệt là lối sử dụng quãng 4 tăng trong tiến hành giai điệu và lối kết lửng-một kiểu kết câu/đoạn hết sức độc đáo.


Trong thang âm điệu thức: thang âm điệu thức 5 âm trong ÂNDG Bahnar ở Gia Lai hết sức phong phú và độc đáo; nó vừa là một hiện tượng mang tính phổ biến trong ÂNDG của các dân tộc Việt Nam, vừa là hiện tượng mang tính đặc thù của kho tàng ÂNDG Bahnar. Với ÂNDG Jrai, vẻ đẹp nguyên sơ trong âm nhạc của tộc người này được thể hiện cụ thể trong từng làn điệu dân ca và trong từng nhạc điệu; không chỉ có ý nghĩa như một giá trị của lịch sử, văn hóa tộc người mà còn đáp ứng nhu cầu hoạt động và sáng tạo âm nhạc của đồng bào.


Âm nhạc Jrai luôn phát triển cân xứng giữa nhạc hát và nhạc đàn, ở bất cứ một loại hình sinh hoạt âm nhạc nào của người Jrai ta cũng bắt gặp âm thanh vang vọng của một nhạc cụ cụ thể. Trong lúc các chàng trai, cô gái hát giao duyên, ta vẫn nghe tiếng đing goong trong tay các chàng trai hay tiếng thì thào của cây đing đét trong tay các thiếu nữ. Âm nhạc đi theo suốt cuộc đời con người, từ lúc được sinh ra cho tới khi về với Atâu...


Và rồi, như là để khép lại câu chuyện dường như không có hồi kết của chúng tôi, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan với tay nhấn mấy phím đàn. Trong giây lát, căn phòng ngập tràn những thanh âm. Tôi lặng lẽ kéo ghế ngồi và cũng thả hồn theo những giai điệu ngọt ngào ấy. Anh khẽ bảo: “Đăm Thơi (chàng Thơi) đấy-một trong vô vàn bài dân ca Bahnar đấy. Tuyệt vời không!”.


Thu Huế - Báo Gia Lai

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc