Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Xây dựng đời sống văn hóa ở Đức Cơ: Thực chất, lan tỏa

Ngày đăng: 15-09-2020, 09:00 - Lượt truy cập: 416
​(GLO)- Năm 2020 đánh dấu 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào cuộc sống. Ở huyện vùng biên Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được nhiều kết quả khả quan.        



Tổ 3 (thị trấn Chư Ty) có 10 năm liền đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa. Là địa bàn trung tâm thị trấn nhưng tổ 3 không để xảy ra tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội. Hình ảnh những ngôi nhà tạm, nhà dột nát giờ chỉ còn trong quá vãng. Những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên, đường làng ngõ xóm sạch đẹp với cây xanh và đường hoa tô điểm. Sự nỗ lực của chính quyền và người dân đã tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giúp người dân có điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thị trấn Chư Ty phấn đấu đạt chuẩn văn minh đô thị cuối năm 2020. Ảnh: Minh Châu
Thị trấn Chư Ty phấn đấu cuối năm 2020 đạt chuẩn văn minh đô thị. Ảnh: Minh Châu
 
Ông Hoàng Văn Thu-Bí thư Chi bộ tổ 3-cho biết: Tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm luôn đạt 80-88%. Không chạy theo thành tích, người dân đều ý thức sâu sắc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trước hết vì cuộc sống chính mình.
 
“Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã bén rễ vào đời sống, làm “thay da đổi thịt” bộ mặt khu dân cư, tác động trực tiếp đến lối sống của từng cá nhân, gia đình. Không chỉ tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, xóm làng yên vui, mức sống của người dân đã tăng lên rõ rệt. Hộ nghèo giảm nhanh, hiện tổ chỉ còn 2 hộ nghèo, tương đương 0,05%”-ông Thu nói.
 
Năm 2010, huyện Đức Cơ có trên 5.680 hộ được công nhận gia đình văn hóa (đạt trên 43%), đến cuối 2019 số gia đình được công nhận là gần 14.900 hộ (đạt gần 82%).

Là cá nhân tiêu biểu trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ông Nguyễn Trọng Điểm (thị trấn Chư Ty) có phương châm sống giản dị, đó là sống để cho đi. Ông chia sẻ: “Con người ta ai cũng mong muốn hướng đến sự hoàn hảo. Bản thân tôi cũng luôn nỗ lực để làm một người chồng tốt, một người cha tốt trong gia đình rồi mới nghĩ đến làm người tốt ngoài xã hội, để mọi việc được trong ấm ngoài êm”.

 

Theo ông Điểm, không khí dưới mái ấm gia đình sẽ định hình nhân cách, lối sống của mỗi người. Vì vậy, ông luôn cố gắng để trở thành bạn đồng hành của con, lắng nghe, chia sẻ với con những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Đối với “nửa kia” của mình, ông luôn xem là bạn đời, ứng xử bình đẳng, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. “Trong gia đình không nên hơn thua, ai thu nhập cao hơn cũng không quan trọng, đích đến cuối cùng vẫn là giữ được hạnh phúc”-ông nói.

 
Trong khả năng cho phép, ông Điểm cũng luôn cho đi bằng sự tử tế. Năm ngoái có người hàng xóm bị bệnh hiểm nghèo cần tiền điều trị, ông là người đầu tiên đứng ra ủng hộ và vận động cả xóm chung tay giúp đỡ, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít. Ông nói: “Người Việt Nam chúng ta vốn trọng truyền thống nhân ái, lá lành đùm lá rách, cần có người khơi nguồn đúng lúc, đúng chỗ sẽ lan tỏa truyền thống ấy, cùng nhau tạo nên một cộng đồng nhân ái”.
 
Cũng với phương châm sống ấy, ông là người tích cực trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương. Có lần tới thăm một trường học, thấy nhà vệ sinh bị xuống cấp, ông Điểm ủng hộ trường một xe gạch và kêu gọi cộng đồng đóng góp làm nhà vệ sinh sạch sẽ cho các cháu. Lần khác, khi tham gia Ban đại diện Hội phụ huynh của trường, chứng kiến nhiều gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn không thể đóng học phí cho con, ông đứng ra hỗ trợ vài trường hợp. Với một số trường hợp bị giảm thu nhập trong đợt dịch Covid-19, ông cho ở nhà trọ miễn phí giúp vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.
Ông Điểm trải lòng: “Mình may mắn hơn người khác một chút nên hãy san sẻ sự may mắn ấy. Mỗi năm, gia đình tôi thường trích 40-50 triệu đồng lợi nhuận từ kinh doanh nông sản để giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Riêng năm nay tôi chi mạnh tay hơn một chút vì có nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”. 
Phong trào thể dục thể thao trong cộng đồng dân cư ở huyện Đức Cơ phát triển mạnh. Ảnh: Nguyễn Giang
Phong trào tập luyện thể dục thể thao trong cộng đồng dân cư ở huyện Đức Cơ phát triển mạnh. Ảnh: Nguyễn Giang
 
Ông Nguyễn Đình Tiến-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức Cơ-cho biết: Qua 20 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư. Các phong trào đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Tuy vậy, theo Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện, phong trào này có nơi có lúc chưa được sâu rộng, có “phát” nhưng thiếu “động” nên còn mang tính hình thức, thiếu tính thực chất. Một số người vẫn chưa nắm bắt được tinh thần cốt lõi của phong trào. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho các thiết chế văn hóa của huyện và các địa phương còn hạn chế, công tác xã hội hóa, kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa còn gặp khó khăn… nên chưa đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng và tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa trong nhân dân.
 
Theo ông Tiến, từ bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo phong trào sẽ có giải pháp khắc phục những hạn chế để triển khai hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, từ đó làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.

MINH CHÂU-NGUYỄN GIANG

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc