Sign In

Cổng thông tin điện tử

UBND tỉnh Gia Lai

​NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÓA THỔ NHƯỠNG VÀ XÓI MÒN ĐỂ PHỤC VỤ QUY HOẠCH BỐ TRÍ CƠ CẤU CÂY TRỒNG HỢP LÝ TỈNH GIA LAI

Ngày đăng: 05-10-2016, 03:00

​  


I.     THÔNG TIN CHUNG

-  Cơ quan chủ trì: Trung tâm nghiên cứu Đất, Phân bón &

Môi trường Tây Nguyên

-  Họ tên chủ nhiệm đề tài: Hồ Công Trực

-  Học hàm, học vị: Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp

-  Chức vụ hiện thời: Giám đốc Trung tâm

-  Địa chỉ liên lạc: Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk

-  Thời gian thực hiện đề tài, dự án: Tháng 1/2005-12/2006

-  Ngày nghiệm thu: 2007

-  Kết quả nghiệm thu: Khá

II.  TÓM TẮT ĐỀ TÀI

1. Sự cần thiết phải thực hiện đề tài

Tỉnh Gia Lai với tổng diện tích tự nhiên 1.549.600 ha. Đây là nguồn tài nguyên quý giá và cũng là một trong những thế mạnh trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Cho đến nay, các công trình nghiên cứu thổ nhưỡng ở tỉnh Gia Lai còn nhiều hạn chế và thiếu chi tiết. Những công trình này ở từng giai đoạn cụ thể đã có những đóng góp thiết thực cho việc bố trí sử dụng đất hợp lý và chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu đất đai hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay.

Những khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi cao và đồng bằng trong tỉnh, vấn đề nghiên cứu quá trình xói mòn quan trọng hơn lúc nào hết, bởi vì thiệt hại về xói mòn là rất lớn, nếu chúng ta định lượng và dự báo được quá trình xói mòn thì mới có thể đưa ra được các giải pháp cụ thể chống xói mòn, chống thoái hóa đất. Coi đây là nhiệm vụ ưu tiên của nghiên cứu đất gò đồi.

Chính vì vậy việc điều tra, đánh giá và xây dựng bộ bản đồ về tài nguyên đất và đánh giá mức độ thích nghi đất đai theo phương pháp của FAO - UNESCO cho vùng gò đồi tỉnh Gia Lai, tạo cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển nền nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

2. Mục tiêu

-  Nghiên cứu toàn diện lớp thổ nhưỡng và vỏ phong hóa gồm: Xác định tính thích nghi của “nền đất”và quá trình xói mòn làm cơ sở để quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Gia Lai.

-  Xác định được cơ cấu cây trồng cụ thể phù hợp với các loại đất trên các vùng/tiểu vùng sinh thái khác nhau thông qua việc đánh giá tài nguyên đất một cách toàn diện theo phương pháp của FAO.

3. Nội dung

-  Đề xuất bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý đối với vùng đất dốc huyện Đăk Đoa và huyện Ayun Pa thông qua nghiên cứu địa hóa thổ nhưỡng và xói mòn đất.

-  Đề xuất bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý cho toàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015 trên cơ sở đánh giá thích nghi đất đai theo phương pháp của FAO.

4.  Những kết quả nghiên cứu chính

4.1.                      Kết quả nghiên cứu đặc điểm địa hóa, thổ nhưỡng và xói mòn vùng đất dốc huyện Đăk Đoa và Ayun Pa, tỉnh Gia Lai

4.1.1. Kết quả nghiên cứu đặc điểm địa hóa, thổ nhưỡng

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu từng vùng địa hóa thổ nhưỡng riêng biệt có thể khái quát thành các đặc điểm địa hóa - thổ nhưỡng cơ bản của vùng nghiên cứu như sau:

Như đã nói ở trên, việc đánh giá độ phì của lớp vỏ phong hóa lót dưới lớp thổ nhưỡng cho đến nay chưa có tiêu chuẩn riêng biệt, xuất phát từ thực tiễn, chúng tôi tiến hành đánh giá tương đối độ phì vỏ phong hóa bằng cách so sánh với lớp thổ nhưỡng trực tiếp nằm trên vỏ phong hóa. Chúng ta nhận thấy so với lớp thổ nhưỡng trên mặt thì vỏ phong hóa ít chua hơn, hàm lượng lân, kali dễ tiêu và CEC hơi thấp hơn, lân, kali tổng số trội hơn so với lớp thổ nhưỡng trên mặt. Hàm lượng cacbon hữu cơ (OC) trong lớp vỏ phong hóa hầu hết đều thấp hơn so với lớp thổ nhưỡng trên mặt.

Kết quả so sánh tổng hợp cho thấy so với lớp thổ nhưỡng lớp vỏ phong hóa vùng Đăk Đoa ít chua hơn, trừ sự hơi thấp của các chỉ tiêu như hàm lượng cacbon hữu cơ, lân dễ tiêu, kali dễ tiêu và CEC, các thông số còn lại hầu hết là tương đương. Như vậy, về độ phì vỏ phong hóa vùng nghiên cứu thuộc mức trung bình đến khá đặc biệt là vỏ phong hóa phát triển trên các đá bazan, có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của cây trồng nếu được bố trí cây trồng và có chế độ bón phân hợp lý.

Hầu hết các nguyên tố (Cu, Cd, Pb, Zn, Ni, Co, Mn) tập trung trong lớp thổ nhưỡng lớn hơn trong lớp vỏ phong hóa. Ví dụ Cu (ppm) trong lớp thổ nhưỡng so với lớp vỏ phong hóa ở miền địa hóa - thổ nhưỡng trên các đá bazan là 90,2/87,7; ở miền địa hóa thổ nhưỡng phát triển trên các đá xâm nhập là 27,5/25,4 và ở miền địa hóa - thổ nhưỡng phát triển trên các đá biến chất và phun trào axit - axit trung tính là 90,2/62,7. Ngược lại, nguyên tố Ni lại có hàm lượng thấp hơn so với lớp vỏ phong hóa.

So sánh mức hàm lượng của các nguyên tố vi lượng và nhiễm bẩn của vỏ phong hóa vùng Đăk Đoa, Ayun Pa với hàm lượng của các nguyên tố này trong đất thế giới và ngưỡng độc hại của chúng. Kết quả tính toán và xử lý cho thấy so với đất thế giới, hầu hết các nguyên tố đều có hàm lượng cao hơn hẳn so với đất thế giới, đặc biệt là vùng địa hóa - thổ nhưỡng phát triển trên các đá bazan. Các nguyên tố Zn, Ni, Mn có hàm lượng thấp hơn so với đất thế giới ở vùng địa hóa - thổ nhưỡng phát triển trên các đá biến chất và phun trào axit - axit trung tính.

Từ các nội dung phân tích trên, cho phép chúng ta kết luận rằng vỏ phong hóa Đăk Đoa, Ayun Pa cũng như lớp thổ nhưỡng trên nó đặc biệt ở miền đồi núi thấp có chất lượng từ thấp đến trung bình, có khả năng đáp ứng các yêu cầu cho sự phát triển tốt của cây trồng, đặc biệt là các cây lâu năm nếu có thêm chế độ bón phân hợp lý.

4.1.2. Kết quả nghiên cứu xói mòn

Xói mòn hiện trạng mạnh là kết quả tổng hợp của các quá trình: Lượng mưa và cường độ mưa lớn, hệ số xói mòn do mưa lớn, đất có tính dễ bị xói mòn (đất có phần trăm các cấp hạt là thịt và limon lớn) hay hệ số xói mòn đất lớn. Độ dốc và chiều dài sườn dốc lớn hay hệ số LS lớn, độ che phủ thực vật thấp, có nhiều các hoạt động canh tác làm xáo trộn bề mặt đất tạo điều kiện cho dòng chảy mặt xuất hiện. Với xói mòn hiện trạng thấp thì ngược lại.

Tổng hợp diện tích của từng loại hình xói mòn ở huyện Đăk Đoa và Ayun Pa như saut15.png






Đất là nguồn tài nguyên quý giá của mọi xã hội và rất nhiều ngành khác nhau. Con người và mọi nền văn minh có thể mất đi nhưng đất thì còn mãi mãi song sức sản xuất của nó lại có hạn. Đã có rất nhiều vùng trở lên giàu có do khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất đai nhưng cũng có nhiều vùng do không sử dụng đất hợp lý dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên đất, giảm sản lượng cây trồng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Ảnh hưởng của việc khai thác không hợp lý đất sẽ dẫn đến xảy ra nhiều quá trình như xói mòn đất, làm mất đất và các vật liệu bề mặt đất, đất ngày càng chai cứng, nghèo nàn và mất sức sản xuất, năng suất cây trồng giảm nhanh, dẫn tới thoái hóa một phần hay toàn phần đất. Đó là các ảnh hưởng tại chỗ, bên cạnh đó là các ảnh hưởng vùng, đó là lũ quét xuất hiện gây thiệt hại mùa màng, bùn đọng làm nông các sông hồ chứa nước, sự phân giải của các sản phẩm tù đọng gây ô nhiễm môi trường.

Để bảo vệ đất chống xói mòn, các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra các nhóm biện pháp như sau:

 + Nhóm các biện pháp công trình.

 + Nhóm các biện pháp sinh học.

 + Nhóm các biện pháp canh tác.

Đề xuất các biện pháp bảo vệ đất chống xói mòn trên các vùng đất dốc của 2 huyện a- Đối với vùng đất trồng cây nông nghiệp và công nghiệp ngắn ngày

Đây là những diện tích đất trồng cây nông nghiệp và công nghiệp ngắn ngày như cây ngô, đậu đỗ, sắn và các cây màu khác có nhiều hoạt động canh tác làm xáo trộn đất, đất dễ bị xói mòn khi mưa to, cần áp dụng các biện pháp thiết kế đồng ruộng như:

-  Làm đất theo đường đồng mức, để dần dần tạo thành bậc thang bằng cách cày bừa ngang dốc sẽ hạn chế được sự trôi dồn đất mặt từ đỉnh dốc xuống chân dốc.

-  Trồng cây theo đường đồng mức: Cũng như làm đất, cần thiết kế các hàng cây chạy theo đường đồng mức.

-  Bố trí thời vụ các cây ngắn ngày để né tránh sự trùng lặp thời gian làm đất, gieo trồng với thời điểm mưa to trong mùa mưa vì đó là thời gian đất bị nước mưa công phá và bị xói mòn nhiều nhất.

-  Trồng băng chắn bằng cây xanh ngăn dòng chảy mặt và đất trôi. Vật liệu làm băng chắn có thể là cây cốt khí, cỏ vertiver, chè, dứa, thân cây sắn, hoặc các loại cây bản địa có thể tận dụng sản phẩm phụ tăng thu nhập gia đình.

-  Dùng đá thu gom từ mặt ruộng (trên những mặt ruộng có nhiều đá vụn) tạo các bờ đá tự nhiên vừa có tác dụng cắt dòng chảy mặt, giữ đất trôi vừa sạch ruộng dễ canh tác.

-  Dùng tàn dư cây trồng sau thu hoạch (thân lá ngô, mía, đậu đỗ) làm phân xanh tại chỗ tăng hàm lượng mùn, độ xốp, cải tạo độ phì nhiêu đất.

-  Bón đủ các loại phân hữu cơ và vô cơ cho cây trồng theo quy trình canh tác để đảm bảo năng suất cây trồng, duy trì và cải thiện độ phì đất một cách bền vững.

b. Đối với vùng đất trồng cây công nghiệp dài ngày

Đây là những vùng đất trồng cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao như cao su, cà phê, cây ăn quả. Thời kỳ kiến thiết cơ bản dài, cà phê 3-4 năm, cao su 5-6 năm, là thời gian mà độ che phủ đất rất thấp, hoạt động canh tác xới xáo đất diễn ra nhiều nên mức độ xói mòn và rửa trôi rất mạnh. Vì vậy trong thời kỳ này cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau:

-  Xây dựng các băng chắn cây xanh như cốt khí, muồng hoa vàng, cỏ vetiver, dứa.v.v... làm băng chống xói mòn xen kẽ giữa các hàng cây lâu năm.

-  Trong những năm đầu kiến thiết cơ bản cần trồng xen một số cây họ đậu hoặc cây lương thực khác vừa có thêm thu nhập vừa tạo ra lớp che phủ mặt đất để tăng khả năng bảo vệ đất chống xói mòn.

-  Bố trí trồng cây theo đường đồng mức kết hợp tạo bồn để giữ nước giữ dinh dưỡng hoặc có thể đắp bờ theo từng hàng cây vừa ngăn chặn được xói mòn vừa tạo bề mặt ổn định, tránh mất dinh dưỡng, giúp cho cây trồng phát triển tốt hơn.

4.2. Kết quả nghiên cứu bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý tỉnh Gia Lai đến năm 2015 thông qua đánh giá thích nghi đất đai

4.2.1.  Xác định các yếu tố để xây dựng bản đồ đơn vị đất đai:

Vận dụng các quan điểm trên vào việc xây dựng bản đồ đơn vị đất đai cho tỉnh Gia Lai, các yếu tố sau đã được lựa chọn: Loại đất; Độ dốc; Thành phần cơ giới; Độ dày tầng đất mịn; Mức độ đá lẫn; Mức độ glây; Mức độ kết von và khả năng tưới.

4.2.2.  Kết quả đánh giá đất đai tỉnh Gia Lai:

Sau khi xác định yêu cầu sử dụng đất đai và đánh giá khả năng thích nghi đất đai cũng như các yếu tố hạn chế của từng cây trồng, chúng tôi tổng hợp các kiểu thích nghi. Các ĐVĐĐ có cùng một dạng thích nghi với các cây trồng đã lựa chọn được gộp lại thành một kiểu thích nghi.

Kết quả cho thấy mức độ thích nghi của 225 ĐVĐĐ gồm có 137 kiểu. Mỗi kiểu thích nghi cho thấy khả năng thích nghi đất đai của mỗi một loại cây trồng đối với các ĐVĐĐ cụ thể. Tuy nhiên, mức độ thích nghi S1 không nhiều, đa số là ở mức độ thích nghi S2 và S3, vì vậy cần có các biện pháp cải tạo đất hợp lý trong quá trình sử dụng đất để nâng cao khả năng thích nghi đất đai với cây trồng.

4.2.3.  Đề xuất bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý

Tổng hợp diện tích canh tác các cơ cấu cây trồng đến năm 2015

t118.png

5. Kết luận

-  Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy vỏ phong hóa cũng như lớp thổ nhưỡng phía trên ở huyện Đăk Đoa và huyện Ayun Pa có chất lượng từ thấp đến trung bình, có khả năng đáp ứng các yêu cầu cho sự phát triển tốt của cây trồng tuy nhiên cần có thêm chế độ canh tác và bón phân hợp lý.

-  Huyện Đăk Đoa có mức độ xói mòn xảy ra rất mạnh đặc biệt là các khu vực đất sản xuất nông nghiệp có độ dốc cao và các biện pháp bảo vệ đất kém như các xã Hà Đông, Đăk Sơ Mei, Hải Yang... Ngược lại ở Ayun Pa do địa hình không dốc lắm, lượng mưa lại không lớn nên mức độ xói mòn là không lớn lắm so với những khu vực khác trong tỉnh.

-  Toàn tỉnh Gia Lai có 28 loại đất chính với 225 đơn vị đất đai. Qua nghiên cứu thực tiễn và định hướng phát triển nông nghiệp đã lựa chọn 19 cây trồng chính đưa vào đánh giá đất đai, kết quả thu được 137 kiểu thích nghi, mỗi kiểu thích nghi thể hiện các mức độ thích nghi của các cây trồng trên từng đơn vị đất. 

-  Từ kết quả đánh giá mức độ thích nghi đất đai, kết hợp với định hướng phát triển của tỉnh, đã đưa ra phương án bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý cho 24 cơ cấu cây trồng chính. 6- Những kết quả đạt được đã áp dụng vào thực tiễn

Kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất thực tiễn trong việc bảo vệ đất chống xói mòn trên các loại hệ thống cây trồng và các vùng đất khác nhau của tỉnh. Bản đồ quy hoạch và bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý đã và đang được các địa phương tham khảo để phục vụ cho công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng năm.

Sở KHCN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc