Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Công trình “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”- Sự kết tinh của nhiều giá trị

Ngày đăng: 21-01-2018, 03:00 - Lượt truy cập: 5724
L.T.S: Công trình “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đang được gấp rút thi công để khánh thành đúng vào sinh nhật Bác (19-5-2012). Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với  nhà điêu khắc (NĐK) Phạm Bá Đua- tác giả tượng đài Bác Hồ và NĐK Lê Lạng Lương- tác giả bức phù điêu, đây là hai tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao về tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa.

 

hinh1.jpg

- Bức phù điêu khắc họa gần như toàn bộ đời sống, văn hóa và con người Tây Nguyên. Một người Hà Nội như anh tại sao có được cái nhìn toàn vẹn như thế về vùng đất với nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử này?  
Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương: Tổng thể bức phù điêu là hình hoa sen cách điệu với những cánh hoa tạo thành các dãy núi trập trùng. Từng mảng nội dung của bức phù điêu phản ánh sinh động về văn hóa, lịch sử, kinh tế: Ở giữa là hình ảnh vòng xoang, cồng chiêng, rượu cần, sử thi… khắc họa đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; bên trái là lịch sử đấu tranh trong hai cuộc kháng chiến với hình ảnh người du kích Bahnar, Jrai… huyền thoại, những bà mẹ cõng gạo nuôi bộ đội…; bên trái là những thành tựu về kinh tế trên các lĩnh vực nông- công nghiệp...
Ngoài ra, còn có hình ảnh hoa dã quỳ, hoa pơ lang, cây kơ nia và một số hình ảnh đặc trưng của Tây Nguyên để khi mọi người nhìn vào có thể cảm nhận ngay sức sống, hơi thở của vùng đất này.
hinh2.jpg
Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương
Để khắc họa được bức tranh nhiều màu sắc này, tôi mất nhiều thời gian, tâm sức để tìm hiểu. Tôi lang thang trên google tìm đọc nhiều tài liệu và hình ảnh về Tây Nguyên, đến Bảo tàng Dân tộc học để tìm hiểu thêm qua hiện vật, tìm mua sách về Tây Nguyên, tổ chức những chuyến thực địa, gặp những người am hiểu về vùng đất này để hỏi han cho rõ những điều còn phân vân. Trước đó rất lâu, cơ duyên cho tôi đến vùng đất Kbang của Gia Lai (năm 1994-1995) cùng đoàn làm phim “Đất nước đứng lên”, từ chuyến đi ấy tôi đã rất ấn tượng với văn hóa bản địa và đã ấp ủ ý tưởng, đến nay tôi mới có cơ hội để thể hiện.
Bức phù điêu là sản phẩm của tôi nhưng nếu không có sự góp ý của Hội đồng Nghệ thuật, đặc biệt là sự góp ý của của đoàn già làng đến từ Gia Lai, lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ thì công trình khó hoàn thiện với sự đồ sộ đến thế về nội dung.
- Khó khăn mà anh gặp phải khi thể hiện các nội dung trên bức phù điêu?
Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương: Từng chi tiết nhỏ trên bức phù điêu tôi đều phải dày công tìm hiểu. Ví dụ một chi tiết nhỏ là sử thi Tây Nguyên- đây là văn hóa phi vật thể, làm sao khắc họa? Trên bức phù điêu, đó là hình ảnh một nghệ nhân kể khan trong nhà rông của làng, bên đống lửa; xung quanh là dân làng với trạng thái đang chìm vào câu chuyện kể của nghệ nhân, nhưng mỗi người có mỗi sắc thái khác nhau; thấp thoáng phía xa có những dãy núi trập trùng được khắc âm. Hay như khắc họa văn hóa rượu cần trong lễ hội của người Tây Nguyên. Làm sao để nhìn vào là biết ngay rượu cần Tây Nguyên chứ không phải rượu cần Tây Bắc. Hình ảnh người phụ nữ được đặt ở vị trí nào trong bức tranh văn hóa để thấy được chế độ mẫu hệ của người bản địa Tây Nguyên…
- Bác Hồ chưa từng đến Tây Nguyên nhưng Bác luôn hướng về đồng bào các dân tộc ở đây với tình cảm sâu nặng. Anh thể hiện điều đó như thế nào trong bức tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên?
Nhà điêu khắc Phạm Bá Đua: Với Tây Nguyên, Bác chưa từng đặt chân đến nhưng Người luôn hướng về đồng bào các dân tộc với chứa chan tình cảm. Vì thế, khi thể hiện chân dung Bác, yêu cầu đặt ra phải toát lên thần thái của một lãnh tụ, trí tuệ, thông thái nhưng cũng đầy thương yêu, nhân hậu. Người dân khi chiêm ngưỡng sẽ cảm nhận được ngay sự gần gũi, có tình cảm giao thoa, tức là cảm nhận được tình cảm Bác dành cho mình và ngược lại.
  Đây là tác phẩm của tôi nhưng là trí tuệ tập thể vì phía sau tôi là Hội đồng Nghệ thuật gồm những nhà chuyên môn có uy tín.
hinh3.jpg

Nhà điêu khắc Phạm Bá Đua
 
- Việc thể hiện “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” có gì đặc biệt so với những bức tượng anh từng thể hiện?
Nhà điêu khắc Phạm Bá Đua: Tôi từng sáng tác nhiều mẫu Tượng Bác đặt ở Bộ Công an, Quân khu 5, tỉnh Cà Mau, Tây Ninh… Thể hiện tượng Bác lần này, tôi cũng đã tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm từ những lần thể hiện trước. Gia Lai chọn vị trí trang trọng với không gian rộng, rất phù hợp để đặt Tượng Bác trong tư thế đứng vẫy chào về phía mọi người. Tôi hy vọng, với tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, sự kỳ vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, sự nỗ lực của những người thực hiện, đây sẽ là công trình có giá trị về kiến trúc, điêu khắc, văn hóa trong khu vực Tây Nguyên.
- Cảm ơn Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương và Phạm Bá Đua! 

Hoàng Ngọc (thực hiện) (GLO)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc