Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Ngày làm việc thứ 4 Đại hội XIII của Đảng: Nhiều vấn đề tiếp tục được thảo luận sôi nổi

Ngày đăng: 29-01-2021, 12:00 - Lượt truy cập: 1939

(GLO)- Ngày 28-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục ngày làm việc thứ 4. Trong không khí cởi mở, dân chủ, các đại biểu tiếp tục trình bày 13 tham luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội. Đồng chí Vương Đình Huệ-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.


Quan tâm phát triển kinh tế vùng
Phát triển kinh tế vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận, góp ý tại Đại hội. Theo đại biểu Phan Văn Mãi-Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre thì tỉnh hội tụ đủ các yếu tố đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Tuy nhiên, Bến Tre cũng là địa phương dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; do đó, ngay trong xây dựng quy hoạch, tỉnh đã đề ra các chủ trương, chính sách, tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đều hướng đến mục tiêu bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong ngày làm việc thứ 4 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phương Dung
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong ngày làm việc thứ 4 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phương Dung


Đồng quan điểm, đại biểu Lê Quốc Phong-Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp-cho hay: Để phát huy nội lực, sức sáng tạo, Đồng Tháp đã chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường. Cụ thể, tỉnh đã tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất chế biến thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất; phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tạo thêm giá trị mới trên đơn vị diện tích canh tác; phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng dân cư… “Qua một nhiệm kỳ, tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh hàng năm đạt 5,7% và xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2020”-đại biểu Lê Quốc Phong cho biết.

Trao đổi về việc xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực, đại biểu Lê Quang Mạnh-Bí thư Thành ủy Cần Thơ-nhấn mạnh: Nhận thức rõ vai trò, vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành ủy Cần Thơ đã và đang xây dựng các chủ trương, chính sách và định hướng để trở thành trung tâm, tạo ra các giải pháp khoa học-công nghệ trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, của vùng và cả nước.

Thu hẹp chênh lệch vùng miền

Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, thu hẹp chênh lệch vùng miền, đại biểu Nguyễn Xuân Ký-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh-cho hay: Tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng ngay trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương. 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội, tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề… Nhờ đó, diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% (năm 2015) xuống còn 0,36% (năm 2020) và hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.

Với phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, thời gian qua, tỉnh Yên Bái cũng triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đại biểu Đỗ Đức Duy-Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái-thông tin: Tỉnh đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng huyện, thị xã, thành phố; phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Yên Bái giảm xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc và cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ).

Đề cập đến vấn đề này, đại biểu A Pớt-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum-khẳng định: Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh ngày càng toàn diện, có hiệu quả và đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Kon Tum giảm từ 23,03% (năm 2016) xuống còn 10,12% (năm 2020), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 41,39% (năm 2016) xuống còn 24,93% (năm 2020).

 

Trao đổi thêm về giải pháp nhằm thu hẹp chênh lệch vùng miền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum cho rằng, cần tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tốt vấn đề về đất đai và môi trường; nghiên cứu, đề xuất có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi được giao đất ở.

Chú trọng phát triển kinh tế số, xã hội số

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, góp ý về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2021-2030; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông… Đề cập đến vấn đề xây dựng kinh tế tuần hoàn, đại biểu Trần Hồng Hà-Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường-cho rằng, hiện nay, một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận kinh tế tuần hoàn như: thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy… Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.

 

Quang cảnh bên trong hội trường Đại hội. Ảnh: Phương Dung
Các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Phương Dung


Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số là một trong những nội dung nằm trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng-Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông-nhấn mạnh: Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số. Cuộc chuyển dịch này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Ngay sau nội dung thảo luận các văn kiện Đại hội, chiều cùng ngày, Đại hội nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; các đại biểu thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

Hôm nay (29-1), Đại hội tiếp tục thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và nghiên cứu các hồ sơ nhân sự. Báo Gia Lai sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 

 

Đại biểu Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Tôi mong muốn, Đại hội sẽ thảo luận, đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy kinh tế-xã hội ở khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng ngày càng phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, trong đó chú trọng giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tạo điều kiện về nguồn lực cho đội ngũ cán bộ hệ thống Mặt trận, các đoàn thể để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận về giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.           
 

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Phước-Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy: Đoàn đại biểu tỉnh rất tâm huyết và cơ bản thống nhất với các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, đoàn cũng tham gia đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để phát triển Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng trong thời gian tới. Ngoài những chiến lược vĩ mô của đất nước, tỉnh cũng đưa ra nhiều đề xuất, nhiều vấn đề để phát triển Tây Nguyên nối với khu vực duyên hải miền Trung và các nước Lào, Campuchia. Đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông, công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tôi tin tưởng rằng, Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn và bầu ra những đồng chí đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới để lãnh đạo, chỉ đạo sớm đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống.

​ 

PHƯƠNG DUNG-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc