Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Xây dựng nông thôn mới hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnhKỳ cuối: Năm 2015 Gia Lai có 45 xã thành “Nông thôn mới”

Ngày đăng: 21-01-2018, 03:00 - Lượt truy cập: 1953

Đến năm 2020, Gia Lai sẽ có 100 xã, nhưng trước mắt đến năm 2015 là 45/186 xã (toàn tỉnh hiện có 222 đơn vị hành chính cấp xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Nội dung của nông thôn mới cần xây dựng phải đạt được những tiêu chí “… có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”- Đó là mục tiêu mà Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khóa XIV đã đề ra.


  

  
Mục tiêu có tính chất chung là vậy nhưng để đạt được những nội dung cụ thể theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là một vấn đề không đơn giản. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với một số cán bộ cơ sở về vấn đề này, được biết hiện sau khi khảo sát bước đầu cho thấy, không ít xã không đạt một tiêu chí nào theo quy định. Tất nhiên trong số 45 xã chọn để tiến hành xây dựng và sẽ hoàn thành theo 19 tiêu chí vào năm 2015, theo chúng tôi chắc hẳn là những xã có điều kiện, hiện đã là những nơi có nhiều thuận lợi về mọi mặt…  
Tuy vậy, xung quanh những nội dung các tiêu chí cũng còn có những ý kiến khác nhau khi áp vào thực tế tình hình tại địa phương. Nhưng đó là vấn đề cần đề nghị, nếu có thể được chấp thuận của Trung ương sẽ có điều chỉnh trong quá trình thực hiện, còn hiện giờ vẫn phải xây dựng kế hoạch theo đúng trình tự và nội dung của Bộ tiêu chí đã được ban hành.
Và theo đó, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã đề ra những nhiệm vụ cần thực hiện, trước mắt đối với 45 xã trong gian đoạn đầu xây dựng đến năm 2015. Đó là, 45/45 xã có đường trục xã, liên xã nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa; 35% xã đạt chuẩn giao thông thôn, xóm và cũng tỷ lệ chừng đó đạt chuẩn kiên cố hóa kênh mương… về lĩnh vực kết cấu hạ tầng xã hội, Nghị quyết 03 yêu cầu: “100% xã có hệ thống điện… và 98% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn; 45% xã có trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia…”; về các lĩnh vực như: Nhà văn hóa, khu thể thao, chợ nông thôn, điểm bưu chính viễn thông, internet đến thôn… cũng phấn đấu đạt được ở mức từ 30-100%, tùy tiêu chí cụ thể. Những nội dung khác trong Bộ tiêu chí cũng được xây dựng ở các mức đòi hỏi đến khi hoàn thành là khá cao. Đó là mục tiêu đề ra, nhưng quan trọng hơn là nhiệm vụ cụ thể và những giải pháp chủ yếu nhằm tổ chức thực hiện đạt kết quả.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy và đã được rút ra trở thành bài học là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, vận động để cho bà con nông dân- người trong cuộc- biết và hiểu rõ tầm quan trọng của một chủ trương lớn để tham gia bàn bạc và quyết định công việc phải làm và làm như thế nào cho hiệu quả, thành quả đem lại là của mình, mình được hưởng. Bà con nông dân chúng ta vốn cần cù, siêng năng, sáng tạo, luôn tìm tòi học hỏi để vươn lên trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống; vì vậy khi đã “thấm” và đã “thông” thì mọi việc không những chỉ có ủng hộ, mà còn cho dù gian khó đến mấy cũng khắc phục vượt qua để làm cho bằng được.
Đặc điểm và những khó khăn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Gia Lai như phần trước đã đề cập, vì vậy công việc điều tra, khảo sát, nắm chắc tình hình thực trạng để xây dựng quy hoạch theo hướng khoa học và phù hợp thực tiễn các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đầu tư sản xuất và xây dựng các kết cấu hạ tầng ở nông thôn là một trong những việc làm tối cần thiết; đồng thời với đó, là có những chính sách cả cho phát triển sản xuất và vấn đề xã hội, dân sinh.
Quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư, hỗ trợ phát triển ổn định các vùng chuyên canh các loại cây trồng là chuyện không thể thiếu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cho dù hiện người nông dân có quyền quyết định làm gì trên mảnh đất của mình, nhưng không vì thế mà phát triển sản xuất theo lối “tự do”. Chủ trương liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) đã đến lúc “cần làm”, không chỉ nói suông.
hinh17.jpg

Trong thực tế nông nghiệp của chúng ta, một chu kỳ “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại là vì nông dân đầu tư sản xuất theo kiểu “phong trào”, loại cây trồng, vật nuôi nào năm trước được giá thì năm sau mọi người, mọi nơi ùn ùn đầu tư phát triển, không tính đến thực trạng nhu cầu của thị trường đến đâu, và hậu quả thất bại là điều khó tránh. Xây dựng cho nông dân và doanh nghiệp lấy “chữ tín” làm đầu trong cam kết làm ăn cũng là điều nên làm.
Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, các nhà khoa học cũng cần tính đến nhu cầu thị trường, tính đến thời tiết khí hậu, đặc điểm canh tác của từng vùng địa lý và cư dân. Chưa hẳn mọi loại cây, con “lai”, năng suất cao đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, và cũng không nên chỉ nhìn vào thị trường mà ta không chủ động trong mua bán ở đó, mà cần điều tra, khảo sát, tìm hiểu cả các lĩnh vực- cầu và cung, mạnh và yếu trong từng loại cây trồng, vật nuôi; đã đến lúc cần tính đến một tương lai gần là “ăn ngon” thay vì “ăn no”.
Trách nhiệm của doanh nghiệp cũng cần cao hơn, không chỉ có mục tiêu lợi nhuận mà ở nông thôn cần lắm có “người đỡ đầu” này, thực tế đã cho thấy doanh nghiệp phát triển đến đâu đời sống của nông dân, bộ mặt nông thôn ở đó thay đổi theo chiều tích cực đến đó- người lao động có việc làm ổn định, thu nhập khá hơn, hạ tầng sản xuất và dân sinh được đầu tư phát triển… Tương tự, trong lĩnh vực đời sống văn hóa cũng vậy, cải tạo cái cũ cần đi đôi xây dựng hình thành cái mới và ngược lại. Nông thôn và nông dân, “… ở đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…”- Nghị quyết TƯ 26 đã nêu như vậy. Biết gạn đục khơi trong thì văn hóa nông thôn sẽ trở thành bản sắc dân tộc, còn ngược lại hậu quả sẽ khôn lường, điều này trong những năm trở lại đây, khi kinh tế thị trường phát triển, theo nó “văn hóa thị trường” một phần đã làm băng hại nền văn hóa, đạo đức ở không ít vùng nông thôn mà chúng ta đã chứng kiến!
Một vấn đề nữa, theo người viết bài này coi đó là “then chốt”- hệ thống chính trị, những cán bộ cơ sở phải được xây dựng, đào tạo đáp ứng đến tầm của sự phát triển. Hiện đội ngũ cán bộ cơ sở ở nhiều nơi chưa đủ tầm, năng lực, trình độ của nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong quản lý, lãnh đạo ở địa phương. Có nghĩa là cùng với cả hệ thống công tác xã hội ở nông thôn cần coi trọng vấn đề đào tạo nhân lực- mà cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở có thể nói là nhân lực có chất lượng cao mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Chưa đủ, nhưng thiết nghĩ những vấn đề chúng tôi mạo muội bàn đến mong muốn góp một phần cho công cuộc xây dựng nông thôn mới mà hiện là một trong những nhiệm vụ cả nước đang tích cực triển khai nhằm đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững, đời sống ở nông thôn, và người nông dân ngày càng phát triển, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sớm trở thành hiện thực.  

Bích Hà (GLO)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc