Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

​ Khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch

Ngày đăng: 04-12-2023, 08:00 - Lượt truy cập: 3395

(GLO)- Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung đang từng bước hình thành và có những điểm sáng đáng mừng. Đạt được điều này là bởi trong các cộng đồng đã có những người biết khai thác di sản văn hóa một cách sáng tạo, có khả năng thương mại hóa các di sản và sát cánh cùng những người được coi là “linh hồn” của di sản giữ cho di sản ngày càng phát triển.


Du lịch cộng đồng cần nhiều yếu tố để hình thành và phát triển. Bên cạnh những nghệ nhân tài giỏi, am hiểu và có khả năng trình diễn di sản tốt, được xem như “linh hồn” của mỗi cộng đồng thì cũng rất cần những người biết khai thác di sản một cách sáng tạo, tạo ra sự khác biệt, có khả năng thương mại hóa các di sản văn hóa để vừa gìn giữ và phát huy được giá trị của di sản, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân và dân làng.

Thực tế tại Gia Lai cho thấy, ở những nơi có con người đáp ứng yêu cầu này, việc biến di sản thành tài nguyên du lịch dễ thành hiện thực hơn. Đơn cử, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh)-khu vực cư trú của người Jrai Aráp có nhiều làng được chọn để xây dựng phục vụ hoạt động du lịch khá sớm như làng Phung, làng Vân, làng Kép. Nhưng vài năm gần đây, địa chỉ du lịch cộng đồng này mới thật sự nổi bật nhờ hoạt động tích cực của chị H’Uyên Niê-cán bộ phụ nữ xã. H’Uyên Niê người Ê Đê, sinh năm 1985 tại Đak Lak.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp thanh nhạc hệ chính quy Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội), chị về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Năm 2017, H’Uyên lấy chồng là một bác sĩ người Jrai ở xã Ia Mơ Nông. Với sự nỗ lực của chị, năm 2018, Câu lạc bộ Đan lát và dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông ra đời tại làng Kép 2. Linh hồn của Câu lạc bộ là bà Rơchâm Monh và con gái của bà là Rơchâm Hà. Đến nay, Câu lạc bộ thường xuyên có hơn 10 nghệ nhân tích cực hoạt động.

Câu lạc bộ duy trì được hoạt động thường xuyên do H’Uyên có khả năng kết nối khá tốt. Bên cạnh đó, chị cũng tích cực quảng bá các sản phẩm của địa phương trên trang Facebook cá nhân và được bạn bè chia sẻ. Nhờ đó, địa chỉ du lịch cộng đồng này ngày càng có nhiều người biết và thu hút được du khách. Đến đây, ngoài những hoạt động “cứng” như xem trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát… du khách còn được các hoạt động thường ngày của người Jrai như: đi lấy nước từ giọt nước, bắt cá tại hồ làng Al, tuốt lúa trên rẫy, hái quả cà phê, trình diễn cồng chiêng, đi cà kheo… tùy theo nhu cầu của khách.

Ngoài số tiền thù lao trình diễn khoảng 150.000 đồng/người/lượt, bà con còn bán được các món quà lưu niệm do mình làm ra như: các sản phẩm làm từ trái bầu khô, gùi, chuông gió… bán được thổ cẩm (khăn, túi…); cùng các đặc sản địa phương như: mật ong ngâm hoa đu đủ đực, thịt bò một nắng, thịt heo ba chỉ một nắng, nai một nắng, muối kiến vàng, muối cỏ thơm, heo gác bếp.

Người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) có thu nhập ổn định từ phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Như Nguyện

Người dân xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) có thu nhập ổn định từ phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Như Nguyện

Tại xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang), homestay A Ngưi hoạt động khá tốt cùng các hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa Bahnar chính là nhờ sự nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất, nuôi dưỡng đội ngũ nghệ nhân và tích cực quảng bá của ông chủ người Bahnar này. Hiện nay, homestay đã xây dựng được 2 ngôi nhà sàn lớn làm khu lưu trú cho khách; có sân cho du khách hòa nhập cùng các hoạt động văn hóa của người Bahnar làng Kgiang; có chiếc cầu gỗ khá xinh và nhiều điểm để du khách chụp hình, ngắm cảnh…

Xã Kông Lơng Khơng có nhiều cộng đồng được tham gia và hoạt động tốt trong chuỗi du lịch văn hóa, thu hút được nhiều du khách, bán được nhiều sản phẩm thủ công cho bà con như: thổ cẩm biến thể thành bông tai, vòng đeo tay, sợi trang trí tóc… là bởi sự góp sức không mệt mỏi của nữ công chức Văn hóa-Xã hội Trần Thị Bích Ngọc.

Còn ở Khu di tích Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), bên cạnh việc tham quan nhà trưng bày về Anh hùng Núp và Làng kháng chiến Stơr, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa của dân tộc Bahnar cùng dân làng. Tại đây, dịch vụ lưu trú và ẩm thực cũng được phục vụ khá tốt. Có được điều này, không thể không nhắc đến sự đóng góp của người phụ trách là Đinh Mỡi (dân tộc Bahnar), tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Quản lý văn hóa.

Như vậy, con người là yếu tố vô cùng quan trọng để làm cho di sản văn hóa của cộng đồng trở thành nguồn lực phát triển du lịch. Đó là những con người biết khai thác di sản văn hóa một cách sáng tạo, biết biến di sản thành hàng hóa một cách linh hoạt, mang lại lợi nhuận cho cộng đồng. Đặc điểm chung của những nhân vật này là họ được đào tạo cơ bản, nhạy bén với thị trường du lịch, có khả năng phát hiện di sản và biến di sản được phát hiện thành hàng hóa.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hầu hết các bạn trẻ này đều biết tận dụng tối đa mạng xã hội để quảng bá cho các hoạt động và sản phẩm du lịch của địa phương. Mặt khác, đây cũng phải là những người biết gìn giữ giá trị di sản văn hóa của mình, không để bị lợi nhuận thôi thúc mà làm sai lệch những yếu tố cốt lõi của di sản.​

KIM VÂN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp