Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Biến di sản thành tài nguyên du lịch văn hóa

Ngày đăng: 01-12-2023, 09:00 - Lượt truy cập: 3138

(GLO)- Khi xác định lấy di sản văn hóa tộc người làm tài nguyên và nguồn lực cho du lịch văn hóa thì điều quan trọng là phải có những di sản đủ sức hấp dẫn. Tuy nhiên, di sản không thể tự chạy đến với chúng ta và bản thân di sản cũng không phải ngay lập tức đã hội đủ những điều kiện mà du khách mong muốn. Vì vậy, việc tìm kiếm, phát hiện, thẩm định, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản ngày càng đẹp lên cả về nội dung, hình thức thì di sản mới đủ sức biến thành “tư liệu sản xuất” cho ngành du lịch văn hóa.


Năm 2004, khi xây dựng hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai giao cho Phòng Nghiệp vụ văn hóa nhiệm vụ tìm 1 đội cồng chiêng Bahnar và 1 đội cồng chiêng Jrai để Viện Văn hóa-Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin) triển khai các hoạt động lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (nay gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).

Làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) duy trì các lễ hội truyền thống để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Minh Ngân

Làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) duy trì các lễ hội truyền thống để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Minh Ngân

Giữa hàng trăm đội cồng chiêng, việc tìm cho chính xác đội xuất sắc nhất của mỗi dân tộc không hề dễ. Sau khi tham khảo ý kiến trưởng phòng văn hóa-thông tin các huyện, thị xã, chúng tôi tiến hành khảo sát, thẩm định (về nghệ nhân, loại cồng chiêng, không gian trình diễn, trang phục…) và báo cáo lãnh đạo tỉnh cho chọn đội cồng chiêng làng Mơ Hra (nay là làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đại diện cho dân tộc Bahnar; đội cồng chiêng làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đại diện cho dân tộc Jrai. Được lãnh đạo tỉnh đồng ý, chúng tôi bắt tay vào quá trình chuẩn bị. Trước tiên là mời những người già trong làng ngồi lại để hỏi xem lễ hội nào của cộng đồng có sử dụng cồng chiêng, trong đó, lễ hội nào có bài chiêng hay, trình diễn đẹp… rồi chọn lễ hội, ghi chép lại quy trình lễ hội như một kịch bản để đội cồng chiêng và dân làng luyện tập nhuần nhuyễn trước khi bộ phận chuyên môn từ Hà Nội vào ghi hình.

Tuy nhiên, từ khi có những đóng góp quan trọng vào bộ hồ sơ để Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO tôn vinh ngày 25-11-2005 đến nay, 2 đội cồng chiêng đã trải qua không ít thăng trầm. Đội cồng chiêng Mrông Yố gần như tan rã sau khi Nghệ nhân Ưu tú Rơchâm HMút qua đời. Phải đến khi Dự án xây dựng câu lạc bộ cồng chiêng làng Mrông Yố của Viện Văn hóa-Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, do nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền vừa là tác giả vừa là người tổ chức thực hiện được triển khai (tháng 8-2023), cồng chiêng Mrông Yố mới hồi sinh. Đội cồng chiêng làng Mơ Hra cũng được vực dậy nhờ một số dự án. Nói điều này để thấy rằng, việc phát hiện và “nuôi dưỡng” di sản sau khi phát hiện là vô cùng quan trọng.

Nhìn tổng thể, văn hóa của các dân tộc tỉnh Gia Lai khá phong phú nhưng tản mạn. Những làng còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, không thuận lợi để khai thác phục vụ du lịch. Vì vậy, những nơi giao thông thuận tiện, cần đầu tư để xây dựng một số làng hoặc nhóm làng thành những trung tâm di sản và đưa những địa chỉ này vào quy hoạch các cụm, tuyến du lịch của tỉnh, huyện.

Năm 2008, UBND TP. Pleiku đã có quyết định xây dựng làng Ốp/Ớp (phường Hoa Lư) thành làng văn hóa du lịch, sau này có thêm làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Những làng Jrai này từng bước được đầu tư để đủ điều kiện đón khách như: hệ thống giao thông nội làng, đèn chiếu sáng, vệ sinh môi trường... Tại làng Ốp, thành phố đã đầu tư để làm ngôi nhà rông bề thế, trồng cây bóng mát, dựng khu vườn tượng… Làng có 2 đội cồng chiêng, 1 đội xoang, 7 người có thể chơi được các loại nhạc cụ truyền thống Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, 5 người biết nghề đan lát, 3 người biết tạc tượng, 4 người biết dệt vải. Số lượng nghệ nhân này chưa nhiều, nhưng đủ để phục vụ du khách.

Việc tìm kiếm, phát hiện, thẩm định, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản ngày càng đẹp lên cả về nội dung, hình thức thì di sản mới đủ sức biến thành “tư liệu sản xuất” cho ngành du lịch văn hóa. Ảnh: Phương Vi

Việc tìm kiếm, phát hiện, thẩm định, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản ngày càng đẹp lên cả về nội dung, hình thức thì di sản mới đủ sức biến thành “tư liệu sản xuất” cho ngành du lịch văn hóa. Ảnh: Phương Vi

Với lợi thế nằm ở trung tâm thành phố, gần khu du lịch Biển Hồ, giao thông thuận lợi, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào 2 làng này các dịch vụ phục vụ du lịch như: những quán ăn khai thác các món truyền thống, các quán cà phê theo nhiều hình thức, rải rác có một vài nhà nghỉ, homestay đã và đang hoạt động… Tại các quán ăn mô phỏng một làng Jrai thu nhỏ như Plei Cồng Chiêng (làng Ốp), nhà hàng Tơ Nưng (làng Ia Nueng)… có kinh doanh mảng trình diễn cồng chiêng, nhảy múa (xoang), trình diễn một số nhạc cụ truyền thống theo yêu cầu của khách, tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng. Tuy nhiên, ở làng Ốp, giao thông đã xuống cấp, trong làng còn nhiều con đường lầy lội, đường Bùi Dự-lối duy nhất vào làng đã trở nên quá tải.

Trong khu vực người Bahnar, do được hưởng lợi từ việc trùng tu, tôn tạo di tích Làng kháng chiến Stơr-quê hương Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang), trong đó có khu làng phục dựng theo tỷ lệ 1/1, gồm nhà rông và 7 ngôi nhà theo phong cách nhà sàn Bahnar, vài ngôi nhà trong số này vừa là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống theo đúng phong cách Bahnar, vừa là nơi trình diễn các hoạt động văn hóa phi vật thể (đan lát, dệt vải, hát dân ca…). Sau khi tham quan di tích, nhà trưng bày về Anh hùng Núp, du khách có thể đặt các món ăn được chế biến từ các sản vật của rừng Kbang như đọt mây, hoa nghệ rừng, lá mì, măng, cà đắng, cùng cơm lam, gà nướng… do chính các chàng trai, cô gái Bahnar làm. Du khách cũng có thể ở lại đây qua đêm trong những ngôi nhà sàn nhỏ như một homestay để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Bahnar, chụp hình trên bãi đá thơ mộng của dòng Tơ Tung xanh mát, hay những cảnh làm rẫy cùng bà con… là một địa chỉ mà lịch sử truyền thống và văn hóa cổ truyền còn đậm nét, chủ nhân thân thiện… nên Stơr đã là một điểm đến thu hút du khách. Theo anh Đinh Mỡi-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang, năm 2022, du khách đến với làng Stơr khoảng hơn 4.000 lượt người. Trong 8 tháng năm 2023, địa điểm này đã đón trên 6.000 lượt du khách.

Cùng với Stơr, Kbang còn có một số làng có hoạt động du lịch cộng đồng khá hiệu quả như: làng Chiêng (thị trấn Kbang); nhóm các làng của xã Kông Lơng Khơng như: Mơ Hra-Đáp, Kgiang. Từ khi đường Trường Sơn Đông mở ra, Kbang còn được hưởng lợi bởi đây là con đường kết nối quốc lộ 19 với Khu du lịch Măng Đen (tỉnh Kon Tum), đi qua Kbang, nên được nhiều du khách chọn làm điểm dừng chân trước hoặc sau khi đến Măng Đen.

Phát hiện di sản đủ sức hấp dẫn; bảo tồn, tôn tạo, “nuôi dưỡng” thường xuyên để di sản phát triển; đưa di sản có giá trị phục vụ du lịch vào quy hoạch các cụm, tuyến du lịch của địa phương là những việc làm cần thiết để di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai trở thành những tài nguyên du lịch tuyệt vời.​

NGUYỄN THỊ KIM VÂN

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp