Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh nổi bật trong tuần từ 04/6-08/6/2018

Ngày đăng: 11-06-2018, 11:00 - Lượt truy cập: 415

Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2018; triển khai Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng; Quản lý hoạt động phát  thanh- truyền hình cấp huyện đến năm 2020,… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần từ ngày 04/6-08/6/2018.


1.     Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2018

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 1182/KH-UBND triển khai thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma túy" năm 2018 với chủ đề: “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy". Theo đó, thời gian tổ chức tháng hành động trong tháng 6/2018 và phạm vi trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là chọn một địa phương làm điểm tổ chức lễ phát động mang tính cấp tỉnh của Tháng hành động nhằm tạo khí thế mạnh mẽ, lan tỏa, hiệu ứng sâu rộng trong phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; hiểm họa của tệ nạn ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp, cần sa, các chất hướng thần mới... đến từng địa bàn cơ sở, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, gia đình, xã hội trong công tác phòng, ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy, hỗ trợ cai nghiện, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện. Đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy; tập trung vào địa bàn, tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy; triệt xóa các đường dây, tụ điểm phức tạp về ma túy, không để hình thành đường dây, tụ điểm ma túy hoạt động phức tạp, lây lan trong thanh thiếu niên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ma túy thẩm lậu từ Campuchia, Lào vào địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế với chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh biên giới Campuchia, kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến tội phạm để chủ động phòng ngừa, đấu tranh.

2.     Triển khai Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng

Ngày 25/5/2018, UBND tỉnh Gia Lai và UBND tỉnh Kon Tum đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và quản lý lâm sản vùng giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Để triển khai thực hiện Quy chế đã ký kết, ngày 06/6/2018, UBND tỉnh ban hành Công số 1201/UBND-NL yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện: Kbang, Đăk Đoa, Chư Păh, và Ia Grai, các đơn vị chủ rừng giáp ranh với tỉnh Kon Tum, trên cơ sở Quy chế phối hợp đã được ký kết giữa UBND 2 tỉnh, thực hiện xây dựng quy chế hoặc kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh Kon Tum; đồng thời tổ chức thực hiện tốt các nội dung đã được ký kết nhằm thực hiện tốt công tác QLBVR, quản lý lâm sản vùng giáp rãnh giữa 2 tỉnh.

3.     Quản lý hoạt động phát  thanh- truyền hình cấp huyện đến năm 2020

UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 255/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động truyền thanh- truyền hình cấp huyện đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 là 100% cơ sở truyền thanh- truyền hình (TT-TH) cấp huyện được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh; 100% người làm việc tại cơ sở TT-TH cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm; 95% cơ sở TT-TH cấp huyện được trang bị hệ thống truyền thanh không dây; 100% cơ sở truyền thanh cấp xã thuộc địa bàn huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp được sóng của cơ sở TT-TH cấp huyện. Về nhiệm vụ của Kế hoạch gồm: Kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng và nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Để tổ chức thực hiện, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo, định hướng cơ sở TT-TH cấp huyện thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức tập huấn cung cấp các thông tin chuyên đề, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin, tiếng dân dộc thiểu số cho đội ngũ viên chức cơ sở TT-TH cấp huyện theo quy định. UBND tỉnh cũng yêu cầu, UBND cấp huyện căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh và chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo, định hướng các đài TT-TH cấp huyện thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền. Rà soát lại đội ngũ viên chức TT-TH cấp huyện để có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, tiếng dân tộc thiểu số để xây dựng chương trình phát thanh tiếng dân tộc, nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Ngoài ra, hằng năm tổ chức rà soát, đánh giá lại cơ sở, vật chất của đài TT-TH cấp huyện; đầu tư, nâng cấp, sửa chữa từ nguồn ngân sách hàng năm của huyện để đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

4.     Tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con trong tình hình mới

Nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác nuôi con, đặc biệt là đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đảm bảo triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Ngày 04/6/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1188/KH-UBND yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Tư pháp phối hợp đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở bảo trợ xã hội đánh giá và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo quy định. Đồng thời, rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho cơ sở trợ giúp xã hội, không phân biệt cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trong việc giải quyết nuôi con theo quy định. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác xã hội thuộc các cơ sở trợ giúp xã hội về công tác giải quyết việc nuôi con; về các điều ước quốc tế về nuôi con và quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con ở địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tìm gia đình thay thế; đẩy mạnh công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa và phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật./.​

Ngọc Chính

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc