Hiệu quả từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao
Sau nhiều năm chăn nuôi nhưng hiệu quả không được như mong đợi, cuối năm 2016, chị Nguyễn Thị Hoài Phương (tổ 3, thị trấn Phú Hòa) quyết định chuyển sang nghề trồng nấm sò và nấm bào ngư. Năm 2022, gia đình chị được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ một số trang-thiết bị ứng dụng công nghệ cao như: hệ thống tưới tiết kiệm nước, meo nấm sò và nấm linh chi, mùn cưa… để phát triển nghề trồng nấm trên diện tích 300 m2. Đến nay, mô hình phát huy hiệu quả, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
“Mỗi ngày, gia đình tôi cung cấp khoảng 100 kg nấm cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện và TP. Pleiku. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, gia đình thu nhập hơn 10 triệu đồng”-chị Phương cho biết.
|
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (bìa phải, tổ 3, thị trấn Phú Hòa) thu hoạch nấm tại trang trại. Ảnh: N.D |
Những năm gần đây, xã Ia Nhin là một trong những điển hình về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nghề trồng dưa lưới trong nhà màng. Đây là kết quả của việc triển khai Đề án số 02-ĐA/HU ngày 27-4-2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đề án, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 8 sào. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo động lực để nhiều hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Bà Đặng Thị Thu (thôn 3, xã Ia Nhin) chia sẻ: “Sau thời gian tìm hiểu, năm 2023, tôi đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà màng rộng 1 sào cùng trang-thiết bị để trồng dưa lưới. Mỗi năm, tôi trồng 4 vụ, năng suất bình quân đạt 3-3,5 tấn/sào/vụ, sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua với giá bình quân 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi vụ, tôi thu về khoảng 80-90 triệu đồng”.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh đã triển khai nhiều mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình sản xuất dưa lưới; sản xuất cây ăn quả, rau ăn lá các loại; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng xen canh; nuôi cá lồng trong lòng hồ; chuyển đổi giống lúa năng suất thấp sang các giống lúa có năng suất, chất lượng cao… Đồng thời, Trung tâm mở 15 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 500 nông dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.500 ha cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, chanh dây ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến; hơn 10 ha dưa lưới trồng trong nhà màng… Các mô hình này góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang chuỗi liên kết có giá trị kinh tế cao.
|
Bà Thu đang thu hoạch dưa lưới cung cấp cho người dân và thương lái. Ảnh: N.D |
Trao đổi với P.V, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Văn Tấn cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và các xã, thị trấn triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/HU, trọng tâm là thu hút các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả để người dân học tập, áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập. Khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nông sản với người dân. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cây ăn quả và các sản phẩm OCOP, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch nông nghiệp. Riêng năm 2024, Trung tâm triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP; chăm sóc cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả đang trong giai đoạn kinh doanh; ứng dụng công nghệ nhà màng, giá thể trồng dưa lưới”.