Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Tây Nguyên tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu

Ngày đăng: 25-10-2004, 08:43 - Lượt truy cập: 3180
Với vị trí tiếp giáp Campuchia và Lào, cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) và Bờ Y (tỉnh Kon Tum) đang thay đổi từng ngày. Những công trình hiện đại dần thay thế khoảng rừng hoang sơ, những hoạt động buôn bán của người dân đã xua đi vẻ âm u, vắng lặng vốn có của nơi này.

Với vị trí tiếp giáp Campuchia và Lào, cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) và Bờ Y (tỉnh Kon Tum) đang thay đổi từng ngày. Những công trình hiện đại dần thay thế khoảng rừng hoang sơ, những hoạt động buôn bán của người dân đã xua đi vẻ âm u, vắng lặng vốn có của nơi này.

Tại khu kinh tế cửa khẩu đường 19 (khu vực cửa khẩu Lệ Thanh), hàng đoàn xe tải, máy xúc... đang ồ ạt san lấp mặt bằng. Dưới cái giữa tháng 10, từng luồng bụi cuốn theo bánh xe ôtô bốc lên mù trời. Tiếng máy xúc, máy đào ì ầm cả một vùng biên giới. Một phần công trường rộng chừng 5 ha có màu nâu hồng của đất đỏ bazan nổi lên giữa bạt ngàn cây xanh.

Ông Thái Bá Quyết, Trưởng Ban quản lý dự án khu kinh tế cửa khẩu đường 19, cho biết, được khởi công từ đầu năm 2004, hiện các đơn vị thi công tích cực làm bù những tháng của mùa mưa vừa qua. Mỗi ngày trung bình san lấp được khoảng 3.000 m3 đất. Ông Quyết nhận xét, với tiến độ này, việc san lấp 5 ha theo kế hoạch sẽ hoàn thành, tạo "nền" để khu kinh tế hoàn thiện vào năm 2010.

Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, do được xây dựng từ 4 năm trước nên một số công trình đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Số liệu của Chi cục Hải quan cửa khẩu Bờ Y cho thấy những dấu hiệu phát triển khả quan của cửa khẩu này. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 23 triệu USD, tháng sau đều cao hơn tháng trước.

Ban quản lý cửa khẩu Bờ Y dự đoán, với 10 công trình đang gấp rút thi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2004, cửa khẩu này sẽ trở thành đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của Kon Tum và cả nước. Khu kinh tế cửa khẩu sẽ là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo ra cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng Me Kong.

Trong khi các khu vực kinh tế cửa khẩu đang chuyển động từng ngày, nhiều người dân Tây Nguyên cũng đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Anh Nguyễn Văn Chương, chuyên buôn bán gà, vịt ở khu chợ Mới (thành phố Pleiku) cho biết, vợ chồng anh đang thiết lập các nguồn gia cầm từ Campuchia, trước mắt là phục vụ nhu cầu người dân ở thành phố. Sau đó, sẽ tiến tới buôn bán ngay tại khu kinh tế cửa khẩu. Hiện nguồn gia cầm từ Campuchia rẻ hơn ở Việt Nam. Trong tương lai, buôn bán ở khu kinh tế cửa khẩu sẽ thuận lợi hơn vì quãng đường vận chuyển gia cầm được rút ngắn.

Còn ông Ngô Tấn Giác, chủ doanh nghiệp cà phê Thu Hà nhận xét, khi các cửa khẩu mở rộng hoạt động kinh tế sẽ kéo theo nhiều người dân đến sinh sống và xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình. Ông Giác cho rằng, hiện đời sống kinh tế của người dân nằm giáp ranh biên giới còn hạn chế, song mặt hàng cà phê không phải là xa xỉ nên chắc chắn sẽ tiêu thụ mạnh. Vấn đề là phải tìm phương thức kinh doanh như thế nào để vừa phù hợp túi tiền của họ, vừa chấp nhận được sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Theo VnExpress

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc