Sáng 09/01, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nghe báo cáo tiến độ triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay có 17/17 địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương; 16/17 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát và 13/17 địa phương đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng đủ điều kiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trên địa bàn. Riêng huyện Chư Pưh đã khởi công xây dựng và hoàn thành 05 căn nhà, trong đó 03 căn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và 02 căn từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Về kinh phí thực hiện, nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình huy động của Trung ương cho tỉnh Gia Lai là 241 tỷ đồng; Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản cung cấp số tài khoản tiếp nhận hỗ trợ.
Trong quá trình triển khai thực hiện, sau khi tách danh sách hộ thuộc chương trình thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở theo 02 Chương trình mục tiêu quốc gia có sự thay đổi về số liệu so với số liệu đã báo cáo trước đây theo Kế hoạch số 2858/KH-UBND ngày 03/12/2024 của UBND tỉnh là l8.633/8.178 căn, tăng 455 căn với tổng nhu cầu kinh phí 472.560 triệu đồng/438.570 triệu đồng, tăng 33.990 triệu đồng.
Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương đã có nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề: Triển khai thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình để triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột; hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất ở của người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho từng trường hợp cụ thể, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định;…
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh Chương trình triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nói chung và là chương trình trọng điểm, quan trọng của tỉnh thực hiện chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025. Do đó, cần phải tập trung mọi nguồn lực, triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ. Đồng chí yêu cầu tất cả sở ngành là thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp với tinh thần trách nhiệm quyết tâm cao. Các địa phương chủ động rà soát, xác nhận đối tượng thuộc chương trình và ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng của địa phương để tỉnh tổng hợp. Cùng với đó, kiểm tra, rà soát kĩ lưỡng về cơ sở pháp lý đối với đất đai trước khi triển khai xây dựng, sửa chữa, tuyệt đối không để xảy ra vướng mắc liên quan đến tranh chấp đất đai, đất không có bìa đỏ;…. Các sở, ngành phối hợp với các địa phương lựa chọn mẫu nhà phù hợp với phong tục tập quán, văn hoá của địa phương; chủ động trong việc lựa chọn nguyên vật liệu xây dựng, ưu tiên các địa phương tự huy động nguồn lực, nhân công trong cộng đồng. Sở Tài chính chủ động hướng dẫn quy trình, hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán; lập bảng mẫu để tham khảo. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền sâu rộng về chương trình để toàn thể người dân biết được ý nghĩa, sự ảnh hưởng của chương trình và cùng chung tay phối hợp./.