Ông Võ Hồng Sơn (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê) cho biết: Sau thời gian tìm hiểu và mời một số hộ trồng vải thiều tại huyện Kbang về khảo sát 3 ha đất của gia đình, năm 2014, ông quyết định mua 600 cây vải thiều về trồng trên diện tích 1,5 ha. Diện tích đất còn lại, ông đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò sinh sản và đào ao nuôi cá.
“Vườn vải thiều của tôi cho thu hoạch bình quân 10-12 tấn vải/ha/vụ, có năm đạt 15 tấn. Với mô hình này, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi đạt lợi nhuận 200-300 triệu đồng. Mô hình sản xuất của tôi đã được UBND thị xã An Khê công nhận là trang trại tổng hợp”-ông Sơn chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh có 412 trang trại, trong đó, 166 trang trại trồng trọt, 137 trang trại chăn nuôi, 102 trang trại tổng hợp, 2 trang trại nuôi trồng thủy sản... Bình quân mỗi trang trại có diện tích khoảng 5,5 ha.
Ông Võ Hồng Sơn (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê) nuôi bò lai trong trang trại tổng hợp khép kín. Ảnh: N.DCũng theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, hiện nay, hầu hết các trang trại trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, chủ trang trại quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều địa phương đã hình thành các trang trại chuyên canh tập trung trồng cà phê, sầu riêng, cây ăn quả hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích đất.
Một số trang trại điển hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trang trại chăn nuôi heo, gà của ông Võ Văn Hậu (làng Nhiên, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh); trang trại trồng vải và nhãn của ông Phạm Văn Thông (thôn Tú Thủy 4, xã Tú An, thị xã An Khê)…
Trang trại chăn nuôi heo xã Nghĩa Hưng( huyện Chư Păh). Ảnh: N.DÔng Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho hay: Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, quy trình kỹ thuật sản xuất của các trang trại chưa đồng bộ, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất vẫn còn cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trang trại.
Bên cạnh đó, một số trang trại chăn nuôi heo, bò chưa có sự liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dẫn đến đầu ra chưa ổn định. Ngoài ra, kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường lớn nên các trang trại gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật, các chính sách về phát triển kinh tế trang trại; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị sản xuất kinh doanh cho các chủ trang trại; hướng dẫn các chủ trang trại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Đồng thời, Sở sẽ làm cầu nối hỗ trợ các chủ trang trại liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại…
Bên cạnh đó, kiến nghị các cấp, ngành của Trung ương có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình trang trại điển hình trong nông nghiệp”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin thêm.