Đại diện già làng, người có uy tín của huyện Đức Cơ được tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật. Ảnh: N.THuyện biên giới Đức Cơ hiện có 43 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Toàn huyện có 3 tôn giáo chính đang hoạt động gồm: Tin lành Việt Nam miền Nam, Công giáo, Phật giáo với trên 12.000 tín đồ. Nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chính sách dân tộc, tôn giáo và kỹ năng hòa giải, mới đây, Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho người có uy tín.
Nội dung tập huấn xoay quanh quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và chính sách dân tộc; chức năng, nhiệm vụ của người có uy tín và kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng.
Ông Trương Văn Độ-Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Đức Cơ-cho biết: Các lớp tập huấn giúp người có uy tín nâng cao kỹ năng và kiến thức, từ đó, phát huy vai trò trong việc hướng dẫn cộng đồng thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhất là trong thời buổi công nghệ số phát triển, hoạt động này còn giúp họ bổ sung, cập nhật thông tin để thực hiện hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, vận động người dân ở cơ sở.
Thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức, già làng Rơ Lan Vọng (làng Ngo Le, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân để tạo sự chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, già Vọng luôn sâu sát cộng đồng dân cư; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và kịp thời phản ánh những vấn đề phát sinh tại khu dân cư đến với cấp ủy, chính quyền địa phương.
“Để mọi người nghe theo, trước tiên phải nói làm sao thuyết phục để họ ưng cái bụng. Mà muốn làm được như vậy thì mình phải hiểu rõ pháp luật. Do đó, mình thường xuyên nắm bắt những thông tin mới về các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền, từ đó, thể hiện tốt vai trò trách nhiệm của già làng, người có uy tín trong cộng đồng”-ông Vọng cho hay.
Ông Đinh Văn Súy (bìa trái)-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro trao đổi với một số già làng, người có uy tín của huyện. Ảnh: N.TVề việc xây dựng đội ngũ người có uy tín tại huyện Kông Chro, Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Văn Súy cho hay: Huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 75%. Toàn huyện có 64 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Họ còn giữ vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở; giữ gìn an ninh trật tự; vận động đồng bào DTTS xóa bỏ các hủ tục, tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
“Để đội ngũ người có uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, huyện đã cấp phát 1.150 sổ tay về kỹ năng tuyên truyền dành cho người có uy tín vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, huyện thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin cho hàng chục lượt người có uy tín”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thông tin thêm.
Già làng Đinh Văn Chiêm-người có uy tín của làng Vơn (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, nghe và đọc sổ tay tuyên truyền nên mình đã có thêm nhiều kiến thức để tuyên truyền, vận động người dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng-chống tội phạm. Từ năm 2024 đến nay, mình tham gia hòa giải thành công 3 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng”.
Từ năm 2024 đến nay, Sở Dân tộc và Tôn giáo đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động như: cấp phát gần 150.000 tờ báo Gia Lai, gần 300.000 tờ báo Dân tộc và Phát triển; tổ chức 7 lớp tập huấn cho 1.200 lượt người có uy tín. Những nỗ lực này đã góp phần cung cấp thông tin và nâng cao kiến thức cho đội ngũ già làng, người có uy tín, giúp họ thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân.
Trao đổi với P.V, ông Trường Trung Tuyến-Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo-cho biết: Toàn tỉnh có 967 già làng, người có uy tín. Những năm qua, tỉnh chú trọng cung cấp thông tin cho đội ngũ này để họ tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Việc nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng và người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.