Từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo do Trung ương Hội Nông dân làm chủ đầu tư được thực từ tháng 10-2022, 20 bò cái sinh sản đã được hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại thôn Blôm và làng Mơ Năng 2 (xã Kim Tân, huyện Ia Pa). Đến thời điểm này, đàn bò sinh trưởng tốt, nhiều hộ dân đã đầu tư chuồng trại bài bản và chọn chăn nuôi để đa dạng hóa sinh kế. Chị Siu H’Yoai (làng Mơ Nang 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) cho biết: “Hồi trước mình không có đất sản xuất, chỉ đi làm thuê nên cuộc sống rất khổ. Vừa rồi, mình được nhà nước hỗ trợ sửa chữa nhà và tặng 1 con bò sinh sản, hiện bò cũng đã sinh bê. Mình rất vui”.
|
Ông Puih Ố (làng Ghè, xã Ia Dơk)-một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số điển hình trong nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hà Duy |
Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được triển khai tại huyện Mang Yang với một số mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần giúp nhiều hộ dân nơi đây vươn lên thoát nghèo. Ông Yui (làng Đê Kôn, xã Hra) không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, chỉ biết làm thuê làm mướn để kiếm tiền sinh sống. Vừa rồi, tôi được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Tôi vui lắm. Làng có 54 hộ mà có tới 23 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Tôi mong ai cũng được hỗ trợ như gia đình tôi để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình”.
Từ việc lồng ghép nguồn vốn giữa các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như huy động nguồn vốn từ người dân và các nguồn hợp pháp khác, việc nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng phấn khởi. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,11% với 35.102 hộ nghèo, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 28.173 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,05% hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro chia sẻ: “Huyện đã cố gắng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện bằng việc kịp thời triển khai các dự án, hoạt động liên quan đến giảm nghèo bền vững; đầu tư hạ tầng giao thông; chú trọng đào tạo nghề; chỉ đạo Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó đã góp phần nâng lên đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Kết quả giảm nghèo của huyện năm 2023 là 5,92%, hộ nghèo giảm 33,76%. So với chỉ tiêu của nghị quyết Đảng bộ huyện là vượt”.
Là một trong những cơ quan “đầu mối”, thời gian qua, Ban Dân tộc đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan cũng như các địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Trong năm 2023, Ban Dân tộc đã phối hợp với UBND các huyện triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ sản xuất. Nhờ vậy mà việc giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả phấn khởi với hơn 140% kế hoạch đề ra”-ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay.
Mục tiêu đề ra trong năm 2024 là giảm tỷ lệ hộ nghèo ở mức 2%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 3%; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5,5%, Gia Lai đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhất là triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như huy động nhiều nguồn lực khác cùng chung tay thực hiện.
|
Nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai đã mạnh dạn vay vốn chính sách với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hà Duy |
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 556/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024. Kế hoạch đã đề ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, trong đó, đáng chú ý là Dự án 3 về phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Dự án 3 gồm 2 tiểu dự án là: Phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân và hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư.
Cụ thể, ở tiểu dự án 1, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo, cộng đồng dân cư thôn tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn (khu vực II và III); trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng cho hộ nghèo có tham gia bảo vệ rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Còn ở tiểu dự án 2, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với các hoạt động ưu tiên thực hiện như: đào tạo kỹ thuật sản xuất; chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, cộng đồng. Theo đó, sẽ có khoảng 30 mô hình, dự án hỗ trợ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh sẽ được triển khai tại 15 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.