Thành phố Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh
Quyết định nêu rõ, thành phố Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh, đô thị động lực vùng Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Trung tâm chính trị, hành chính, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, giáo dục đào tạo, công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh. Là đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
|
Thành phố Pleiku ngày càng hiện đại. Ảnh T.L |
Mục tiêu xây dựng thương hiệu TP. Pleiku-thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững. Khai thác tốt thế mạnh điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường của khu vực Bắc Tây Nguyên để phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường làm trọng tâm, xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch - dịch vụ và với các giá trị văn hoá bản địa.
Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng với cả nước nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội so với cả nước.
Định hướng giai đoạn sau năm 2045: Thành phố Pleiku có quy mô dân số khoảng 700 nghìn người đến 1 triệu người, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và có ảnh hưởng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, Đông Nam Á, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Tây Nguyên, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trên một số lĩnh vực.
Yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung
Những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung gồm: Rà soát, xác định những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên...) của Quy hoạch chung năm 2018, để đề xuất điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.
|
Pleiku sẽ khai thác tối đa không gian hướng ra khu vực suối Hội Phú, xoay hướng phát triển về phía không gian xanh và mặt nước. Ảnh: Quang Tấn |
Điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của TP. Pleiku phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu; khai thác tiềm năng, động lực phát triển của khu vực đô thị và nông thôn, đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế-xã hội khu vực TP. Pleiku bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch
Phân tích vai trò, vị trí và mối quan hệ liên vùng: Đánh giá lợi thế và hạn chế về vị trí địa lý của TP. Pleiku; phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, định hướng, chiến lược phát triển của quốc gia, vùng Tây Nguyên, vùng tỉnh Gia Lai có tác động đến sự phát triển của TP. Pleiku. Đánh giá vai trò, vị thế, sức thu hút và lan tỏa của TP. Pleiku trong vùng kinh tế Tây Nguyên, quốc gia và vùng Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
|
Pleiku xây dựng các không gian mở đa dạng với trục cảnh quan du lịch-văn hóa-nghệ thuật đặc trưng. Ảnh: Đức Thụy |
Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội-môi trường-lịch sử văn hóa thông qua các chỉ số, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư, lao động, định cư, phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Pleiku.
Định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển đô thị của TP. Pleiku; đề xuất giải pháp tái phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật, không gian mở, không gian công cộng cho đô thị hiện hữu; đề xuất ý tưởng, các mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị. Vị trí, vai trò các khu vực đô thị trong mối liên hệ tổng thể TP. Pleiku…
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Pleiku đến năm 2045 theo quy định pháp luật.