Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Quy hoạch, bảo tồn các làng dân tộc bản địa

Ngày đăng: 19-04-2023, 08:00 - Lượt truy cập: 1536

(GLO)- Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của một đô thị cao nguyên có hệ sinh thái đặc thù, TP. Pleiku còn là nơi tập trung nhiều dân tộc bản địa, chủ yếu là dân tộc Jrai, Bahnar. Để từng bước hoàn thành các mục tiêu xây dựng Pleiku là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” thì việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng dân tộc bản địa cần được chú trọng.


Những năm đầu thế kỷ XX, khi người Kinh có mặt ở vùng đất này thì đã thấy xuất hiện nhiều làng Jrai như: Pleiku Roh, Plei Kép, Plei Ốp… Đến đầu thế kỷ XXI, người ta đã thống kê được 42 làng dân tộc Jrai, Bahnar. Đến nay, do việc sáp nhập địa giới hành chính theo tổ dân phố, số làng dân tộc còn lại ở các phường, xã thuộc thành phố này khoảng dưới 40 với trên 21.000 người, chủ yếu là các plei của người Jrai Hdrung.

Quy hoạch, bảo tồn các làng dân tộc bản địa ảnh 1

Người dân và du khách hào hứng với tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Quốc Nguyễn

Năm 2015, tại hội thảo lấy ý kiến cho đồ án quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, 2 đơn vị tư vấn: Công ty Arep Ville (Pháp) và Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã đưa ra 2 chiến lược phát triển là: “Thành phố hữu cơ-Organic city” và “Thành phố cơ học-Infrastructure city”. Cuối cùng, liên doanh tư vấn đã đề xuất phát triển đô thị Pleiku theo phương án phát triển một thành phố vì sức khỏe, xoay thành phố về phía sông suối và thung lũng. Đây là một ý tưởng mới, đột phá cho thành phố cao nguyên này trong tương lai.

Mới đây, ngày 22-2-2023, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku và vùng phụ cận tỉnh Gia Lai đến năm 2040, định hướng đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm xây dựng Pleiku thành thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; khai thác tốt thế mạnh để phát triển đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch dịch vụ, các giá trị văn hóa bản địa; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Quy hoạch, bảo tồn các làng dân tộc bản địa ảnh 2

Cánh đồng làng Plei Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Hùng Hoa Lư

Xưa nay, bên cạnh việc bàn thảo về cụm từ “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, nhiều người còn đề cập đến việc quy hoạch các buôn làng dân tộc bản địa và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống một cách thiết thực nhằm phát triển du lịch. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất: Việc bảo tồn và phát huy giá trị buôn làng truyền thống trong các đô thị ở Tây Nguyên theo xu hướng gìn giữ, duy trì những giá trị vật thể và phi vật thể truyền thống vốn có của buôn làng; xác định phương hướng để cho những giá trị đó hiện diện và bền vững trong tương lai, tạo lập được sự cân bằng giữa cái truyền thống với cái mới của xã hội hiện tại.

Cách đây 16 năm (2007), trong luận án bảo vệ Tiến sĩ kiến trúc tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị buôn làng truyền thống trong quá trình phát triển các đô thị ở Tây Nguyên”, anh Nguyễn Hồng Hà có đi điền dã và nghiên cứu ở các buôn làng vùng đô thị Tây Nguyên và đề xuất 70 buôn làng còn giá trị theo xếp hạng, nhưng chỉ có 11 buôn làng là còn nhiều giá trị. Riêng TP. Pleiku có 20/39 buôn làng được đánh giá xếp hạng cần được tôn tạo, bảo tồn và phát huy; trong đó, 2 làng có nhiều giá trị là Plei Ốp và Plei Kép cần được bảo tồn là chính.

Đến nay, các làng ở nội đô như: Pleiku Roh, Plei Kép đã được quy hoạch khá bài bản và chi tiết, người dân cơ bản định cư trên mảnh đất của mình theo mô hình nhà vườn. Hiện trạng vật kiến trúc nhà ở hầu hết các hộ trong làng Jrai, Bahnar ven đô đều làm nhà trệt với vật liệu gạch-ngói hay gạch-tôn; rất ít gia đình còn ở nhà sàn truyền thống. Làng không còn hàng rào với 2 cổng như xưa, không có nhà mồ, nhà rông (một số làng có xây nhà rông văn hóa); các lễ hội truyền thống như: pơ thi, mừng lúa mới, cúng giọt nước, cầu mưa… hầu như thiếu vắng trong các buôn làng. Các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng… tuy gần đây một số buôn làng ở thành phố có phục dựng nhưng thiếu bền vững và không phổ biến.

Để từng bước hoàn thành các mục tiêu xây dựng đô thị Pleiku là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” thì việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng dân tộc bản địa cần được chú trọng. Một trong những việc cần làm trước mắt là TP. Pleiku có kế hoạch và phương án điều tra, phân loại các buôn làng dân tộc bản địa trong phạm vi quản lý của mình theo các tiêu chí văn hóa truyền thống, gồm 3 loại: còn nhiều giá trị, giá trị và ít giá trị. Từ đó, xác định phương án đầu tư để phát huy theo các hướng khác nhau.

Nếu làng nào còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như Plei Ốp hiện nay thì có kế hoạch bảo tồn và đưa vào diện phát triển du lịch cộng đồng. Làng nào đã phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống thì cần quy hoạch và tổ chức lại lao động để phát triển kinh tế bền vững, tạo cảnh quan, môi trường hài hòa chung cho thành phố theo tiêu chí xanh-sạch-đẹp. Đầu tư, tổ chức một số mô hình làng điểm với hình thái nhà vườn; cộng đồng làng buôn có khuôn viên xanh hay những khoảnh rừng sinh thái nhằm tạo không gian và môi trường trong lành, nhất là các làng ven đô.

Các làng được đưa vào diện bảo tồn đặc biệt, cần có quy hoạch chi tiết, có đường vành đai bao quanh, cách biệt với các khu dân cư khác; không được xây dựng các vật kiến trúc không phù hợp với văn hóa truyền thống của cộng đồng; cần vận dụng luật tục để xử lý các vi phạm về sinh hoạt, vệ sinh môi trường.​

BÙI QUANG VINH – GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc