Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Xóa nghèo căn cơ và nâng cao năng lực cán bộ xã

Ngày đăng: 20-04-2004, 08:25 - Lượt truy cập: 436
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Vĩ Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề đời sống của đồng bào dân tộc tại đây.

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Vĩ Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề đời sống của đồng bào dân tộc tại đây.

* Mặc dù có nhiều nỗ lực từ phía nhà nước và chính từng người dân, song đời sống của phần lớn người đồng bào dân tộc (ĐBDT) ở Gia Lai vẫn còn đói nghèo. Thưa ông, tới đây tỉnh có chủ trương, chính sách, việc làm gì để từng bước nâng cao mức sống cho ĐBDT?

- Thực ra đến giờ này, đối với đồng bào chỉ còn nghèo chứ không còn đói. Đảng, nhà nước không để dân đói. Hiện nay tỉnh giao cho xã phải rà soát, có hộ nào đói thì khẩn cấp cứu ngay. Xã được quyền chi gạo cho dân ngay tức thời. Không như trước đây, xã phát hiện hộ đói phải báo lên huyện, huyện lại báo lên tỉnh. Tới chừng tỉnh chi được gạo thì dân đói thật rồi.

Như chúng ta biết, đồng bào các dân tộc ít người - nhất là ĐBDT ở đây như người Jơ Rai, Bahnar... - cái nghèo có nguyên nhân sâu xa do lịch sử. Một bộ phận do hoàn cảnh địa lý, tập quán, nhận thức..., họ chưa trải qua một phương thức sản xuất tiến bộ nào. Đảng, nhà nước ta từ khi thống nhất đất nước đã tính chuyện giải quyết căn cơ cái nghèo cho bà con.

Trước hết là cái chữ. Học vấn thấp, tri thức ít là điểm mà ĐBDT không có lợi thế. Tỉnh đã phổ cập tiểu học rồi, giờ đang tính phấn đấu mức cao hơn, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Cũng là cách nâng cao trình độ cho bà con.

Nhà trả chậm của vợ chồng Pul Pe-Kpă Phiêl ở làng Orưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê, một trong 200 căn hoàn thành trong năm 2003
Do hình thức sản xuất của bà con phần lớn là phát - đốt - chọc - trỉa cho nên ĐBDT tiếp cận với nền sản xuất có ứng dụng khoa học kỹ thuật là rất khó. Cuộc sống của bà con chủ yếu dưa vào thiên nhiện: hết gạo thì vào rừng đào cũ; thiếu thức ăn thì xuống sông bắt cá, vào rừng bẫy thú... Vì thế, tích luỹ không có, vốn liếng không có. Họ mất rất nhiều lợi thế.

Nhà nước ta đầu tư cho ĐBDT rất lớn, nhất là hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm. Cũng là dân tộc thiểu số nhưng số di cư từ Bắc vào - có khó khăn hơn lúc đầu đấy - nhưng họ thoát nghèo rất nhanh nhờ khai thác được hệ thống hạ tầng này phục vụ cho đời sống, sản xuất.

Trong khi đó, số ĐBDT địa phương nghèo vẫn hoàn nghèo, đời sống không tiến bộ nhanh được mặc dù nhà nước rất ưu đãi. Chẳng hạn miễn phí hoàn toàn về giáo dục, sách vở được cấp không. Về y tế, bao cấp hoàn toàn cho người bệnh và cả người nuôi bệnh.

Thậm chí chẳng may bị chết cũng được cho xe đưa xác về tận nhà. Dùng điện thì không phải trả tiền. Nơi nào chưa có điện thì được cấp không dầu lửa để thắp sáng.

Chính sách về nhà ở cũng rất được ưu đãi. Trước đây là nhà tình thương, giờ là nhà đại đoàn kết. Hàng ngàn căn nhà như vậy đã được cấp cho đồng bào.

* Ngoài sự tác động, xúi giục của kẻ xấu hòng chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân để trục lợi, cũng còn có vấn đề dân không tin cán bộ, một số cán bộ xa rời dân, vô cảm trước những lo toan của người dân ? Là chủ tịch UBND tỉnh, ông có nhận thấy điều đó? Ông sẽ làm gì để khắc phục?

- Nói vô cảm, nếu có thì chỉ một bộ phận ít thôi chứ tôi không cho là phổ biến. Nếu trách thì không chỉ là cán bộ cơ sở mà phải trách huyện, trách tỉnh. Làm cán bộ xã - nhất là xã khó khăn - khó hơn làm cán bộ ở huyện, ở tỉnh.

Bởi vì hàng ngày họ va chạm với quần chúng, cuộc sống của họ gắn liền với bản làng, thôn xóm. Mặc khác họ cũng không được đào tạo bài bản như cán bộ huyện, tỉnh. Nhưng hầu hết họ có trách nhiệm. Họ có quyền nhưng không có lực. Đặc biệt là lực kinh tế họ càng không có. Ba năm nay chúng tôi đã làm thí điểm việc nâng cao năng lực cho cán bộ xã bằng cách giao cho họ quyền được giải quyết chuyện đói, rách trực tiếp cho đồng bào.

Và họ cũng rất cần được nâng cao hơn về năng lực để phát huy, như kiến thức về tài chính, kinh tế... Khi họ thấy dân khó khăn gì thì họ đủ năng lực giải quyết vấn đề một cách độc lập, chính xác.

Lâu nay họ chỉ biết kêu, bây giờ thì chính họ phải làm, nhưng không phải dễ, cũng không phải chuyện ngày một, ngày hai. Tôi là chủ tịch tỉnh, tôi có hàng loạt cán bộ, chuyên viên, các sở giúp việc nhưng một ông cán bộ xã thì có bao nhiêu người?

Sau tình huống vừa qua mới thể hiện bản lĩnh chính trị của cán bộ. Nếu êm ả bình thường thì nghe ai cũng có bản lĩnh cả, nhất là thứ “bản lĩnh chính trị trên giấy”. Đây là dịp để người cán bộ tự soi rọi, rèn luyện phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đ.ĐẠI - B.TRUNG - Nguồn từ Báo Tuổi Trẻ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc