Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống Covid-19

Ngày đăng: 30-10-2023, 07:00 - Lượt truy cập: 610

Sáng 29/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống Covid-19. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì hội nghị. Dự hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Chính phủ có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tham dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.


Theo báo cáo tại hội nghị, đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc; sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 23/01/2020. Ngày 05/5/2023, sau hơn 03 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận Covi-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tại Việt Nam, trải qua 02 giai đoạn chống dịch và 04 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43 nghìn trường hợp tử vong; hơn 99% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022. Giai đoạn thứ 1: bắt đầu từ tháng 01/2020 đến hết tháng 9/2021 với chiến lược “không Covid-19", khi thông tin về Covid-19 rất hạn chế, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu; 04 đợt bùng phát dịch đều xảy ra trong giai đoạn này và ghi nhận 790.755 trường hợp mắc, 19.301 trường hợp tử vong. Giai đoạn thứ 2: từ tháng 10/2021 đến nay với trọng tâm là chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19"; trong giai đoạn này, chiến lược vắc xin và chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã được triển khai mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả, là tiền đề cho Chính phủ chuyển hướng kịp thời chiến lược phòng chống dịch; ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược quan trọng, từ chiến lược không có ca bệnh sang thích ứng an toàn, linh hoạt vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế và bắt đầu thực hiện quản lý bền vững nguy cơ; các giải pháp y tế và các giải pháp hành chính đã được triển khai quyết liệt, phù hợp, kịp thời, đồng bộ. Đến nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số mắc, tử vong giảm sâu; số mắc trung bình tháng hiện nay khoảng 10.000 ca, giảm 14 lần so với năm 2021 và giảm 82 lần so với 2022; tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm từ 1,86% (2021) xuống 0,11% (2022) và hiện còn 0,02%. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

z4827933579711_97739add53cd24c76816cda7fa2db5bf.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai

Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi cho kinh tế xã hội phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng đang ở mức cao; tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% (cao nhất trong 12 năm), quý III năm 2023 đạt 5,33% và tính chung 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực; an sinh xã hội được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn tồn tại những hạn chế như: Trong các đợt bùng phát dịch, công tác chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động; công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; một số biện pháp như giãn cách xã hội, xét nghiệm, tiêm chủng triển khai còn chậm, chưa nghiêm, chưa đạt mong muốn đề ra; các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống của dịch bệnh, một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi hoặc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, chưa đáp ứng yêu cầu khi dịch bùng phát; việc tích hợp thành một ứng dụng duy nhất trong quản lý, truy vết, tổ chức khám, tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý đi lại còn chậm, chưa tạo thuận lợi cho người dân…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá kết quả đã đạt được, cách làm hay, các phong trào, mô hình hiệu quả trong phòng, chống dịch; phân tích tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đúc rút trong phòng, chống dịch, từ đó chuẩn bị tốt hơn nhằm ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng; vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các địa phương, Ban chỉ đạo các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân, đặc biệt là các cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sỹ bộ đội, công an và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống đại dịch Covid-19; đồng thời, tri ân sự hy sinh, đóng góp ý nghĩa, cao cả của các lực lượng, người dân tham gia phòng chống dịch, các nhà hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân, chia buồn với những gia đình đã mất người thân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi lời cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Do đó, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch Covid-19, hậu quả sau đại dịch còn tiếp tục kéo dài. Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Yêu cầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch. Đẩy nhanh việc xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm. Đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Hoàng Thảo​

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc