Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Trải nghiệm văn hóa cồng chiêng giữa lòng Phố núi

Ngày đăng: 04-05-2022, 09:00 - Lượt truy cập: 3569
(GLO)- Sự kiện cồng chiêng cuối tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trong 2 đêm 30-4 và 1-5 do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức nhằm hướng đến phục vụ khách du lịch. Hai đêm diễn của các nghệ nhân Bahnar và Jrai không có kịch bản, nhưng xuyên suốt chính là tinh thần của sự trải nghiệm, chia sẻ, tiếp thị văn hóa với du khách từ khắp nơi đổ về Phố núi dịp nghỉ lễ này.


​ 
Ảnh: Minh Châu
Các nữ nghệ nhân huyện Đak Đoa vui vẻ chụp ảnh cùng du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Hút khách du lịch

 
Rời khỏi vòng xoang của đoàn nghệ nhân TP. Pleiku khi đã đẫm mồ hôi, chị Trần Thị Kim Huệ-du khách đến từ Hà Nội dường như vẫn còn nhiều lưu luyến. Phía ngoài, chồng chị cầm điện thoại chăm chú quay lại từng thước phim vợ địu con nhỏ múa xoang cùng các nghệ nhân. “Tôi đến Gia Lai lần thứ 2, nhưng lần này mới được thỏa mãn sự tò mò với văn hóa Tây Nguyên. Nếu tỉnh không tổ chức sự kiện văn hóa này tại trung tâm thành phố để phục vụ khách du lịch, chúng tôi khó có cơ hội được thưởng thức và trải nghiệm cùng các nghệ nhân”-chị Huệ chia sẻ.
 
Một đoàn du khách đến từ TP. Đà Nẵng cũng nhanh chóng nhập cuộc vui cùng các nghệ nhân. Hướng dẫn viên Nguyễn Nhật Trình-Công ty lữ hành Triều Hảo (Đà Nẵng) cho biết: “Sự kiện cồng chiêng diễn ra ở Phố núi là một bất ngờ cho cả đoàn. Nhờ đó, khách hàng của tôi có thêm một trải nghiệm thú vị khi đến với cao nguyên Gia Lai trong kỳ nghỉ lễ này”.
 
Du khách hòa  nhịp xoang cùng các nghệ nhân. Ảnh: Hoàng Ngọc
Du khách hòa nhịp xoang cùng các nghệ nhân. Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Thanh âm cồng chiêng vang vọng thu hút ngày càng đông người dân và du khách đến với Quảng trường Đại Đoàn Kết trong 2 đêm cuối tuần. Đêm đầu tiên là phần trình diễn đầy cảm xúc của các nghệ nhân Jrai đến từ Phố núi TP.Pleiku. Đêm cồng chiêng nối tiếp là màn trình diễn mang tinh thần tự do của những nghệ sĩ Bahnar đến từ huyện Đak Đoa. Trong trang phục truyền thống, cùng những bộ cồng chiêng quý được gìn giữ qua nhiều thế hệ, các nghệ nhân cống hiến cho khán giả những sắc màu văn hóa đặc sắc trong kho tàng di sản được kế thừa. Vòng xoang ngày càng mở rộng bởi sự tham gia của du khách. Còn bên ngoài, khán giả kết thành một biển người hân hoan, vui vẻ theo dõi, quay phim, chụp ảnh. 

 
Dưới gốc đa cổ thụ ở Quảng trường, nơi các nghệ nhân tạm nghỉ sau những phần trình diễn, du khách vây kín cùng chụp hình, đánh thử cồng chiêng để thỏa sự tò mò với những giá trị đặc biệt của di sản văn hóa thế giới. Ở góc khác, dưới những bóng cây cao, từng nhóm gia đình, bạn bè ngồi dưới cỏ xanh thưởng thức ẩm thực, uống rượu cần, lắng nghe thanh âm cồng chiêng vọng lại. Không gian đặc quánh như trong một đêm hội làng, chỉ khác là diễn ra ngay giữa trái tim thành phố. 
 
Ảnh: Hoàng Ngọc
Các cô gái Jrai duyên dáng chụp hình cùng du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Mảnh ghép bức tranh kinh tế đêm 

 
Sức hút từ những quầy hàng ẩm thực trong 2 đêm cồng chiêng cuối tuần vượt xa mọi dự đoán, đặc biệt là các món ăn truyền thống. Những chàng trai, cô gái Jrai trong trang phục dân tộc nướng gà tại chỗ bên bếp than rực hồng như một “gia vị” tăng thêm cho ẩm thực truyền thống. Mặc dù phải xếp hàng chờ đợi, nhưng nhiều du khách không tỏ ra sốt ruột mà vui vẻ chụp hình, trải nghiệm phong vị văn hóa bản địa. 
 
Ảnh: Minh Châu
Ẩm thực truyền thống tại sự kiện cồng chiêng cuối tuần diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Ngọc

 

Chị Khal-chủ quầy hàng Jrai Food (đường Trần Quang Khải, TP. Pleiku) chuyên ẩm thực truyền thống Tây Nguyên-chia sẻ, chị rất bất ngờ trước lượng khách quá đông. Chị cho biết: “Trong đêm đầu tiên, chúng tôi chuẩn bị 130 con gà, nướng và bán hết chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ. Đêm thứ hai, chúng tôi chuẩn bị nguyên liệu tăng thêm 20%, cộng với hơn 10 người phục vụ nướng gà, gói đồ ăn cho khách nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người”. 

 
Sự kiện cồng chiêng cuối tuần không chỉ tạo ra hoạt động văn hóa, giải trí hấp dẫn hướng đến khách du lịch, mà có thể trở thành một mảnh ghép trong bức tranh kinh tế đêm đang được thành phố hướng tới. Một trong những lợi thế của kinh tế đêm là thu hút du khách, tạo điểm nhấn, màu sắc cho du lịch từng địa phương, vùng miền. Do đó, kinh tế đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì càng có khả năng giữ chân và kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, kinh tế đêm sẽ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. 
 
Vòng xoang Tây Nguyên hấp dẫn du khách. Ảnh: Minh Thi
Vòng xoang Tây Nguyên hấp dẫn du khách. Ảnh: Minh Thi

 

Tuy nhiên, làm sao để duy trì hoạt động này lại là bài toán khó. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chia sẻ: “Vấn đề là ở chỗ nếu tiếp tục tổ chức sự kiện cồng chiêng cuối tuần thì ai làm và làm như thế nào, quan trọng hơn là tiền ở đâu để làm, bởi Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch không thể là “bầu show” vừa đứng ra tổ chức, vừa kêu gọi xã hội hóa để trả thù lao xứng đáng cho đội ngũ nghệ nhân. Như trong 2 đêm vừa qua, tiền bồi dưỡng cho 2 đoàn nghệ nhân là gần 20 triệu đồng, chưa kể tiền xe đưa đón, đều từ nguồn xã hội hóa do Sở kêu gọi. Vì vậy, tôi hy vọng sự thành công của sự kiện này là tiền đề để thành phố và ngành du lịch có kế hoạch phối hợp, tiếp tục duy trì để tạo sức hút cho du lịch địa phương”. 

 

HOÀNG NGỌC-GLO

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc