Sign In

Cổng thông tin điện tử

Tỉnh Gia Lai

Triển vọng cây ca cao trên đất Đức Cơ

Ngày đăng: 13-04-2012, 02:00 - Lượt truy cập: 4112

(GLO)- Ca cao hiện đang được trồng ở một số nơi, riêng địa bàn huyện Đức Cơ hiện nay đã có 105 hộ trồng với diện tích trên 60 ha. Hiệu quả bước đầu mang lại cho thấy cây ca cao đang là hướng đi nhiều triển vọng.


images668811_1_ca_cao.jpg

Gia đình ông Trần Văn Chỉnh (thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là đại lý mua ca cao duy nhất trên địa bàn huyện Đức Cơ đến thời điểm này. Ông cũng là một trong những hộ dân đầu tiên trong huyện đầu tư trồng ca cao ghép xen với cây điều. Ông Chỉnh cho biết: Năm 2008, Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình trồng cây ca cao và gia đình ông được chọn thí điểm. Trực tiếp đi tham quan nhiều mô hình trồng ca cao ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhận thấy loại cây này có khả năng mang lại hiệu quả cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nên ông cùng nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất. Ban đầu các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 60% chi phí về giống và phân bón, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trồng và chăm sóc.
 

Ông Chỉnh chia sẻ: “Nhiều lần đi cùng đoàn khảo sát của Viện Lâm nghiệp Tây Nguyên, tôi thấy ca cao trồng ở vùng đất Đức Cơ phát triển rất nhanh, ít sâu bệnh, cho quả to và chất lượng. Ca cao là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, khoảng 50-60% cường độ ánh sáng tự nhiên, thích hợp trồng dưới tán các loại cây ăn trái. Gia đình tôi thử nghiệm trồng ca cao trên tất cả các loạt đất và xen với tiêu, cà phê, điều. Song, sau một thời gian, tôi thấy cây ca cao trồng xen cây điều là thích hợp nhất, cho năng suất cao”.
Tuy diện tích không lớn nhưng vườn ca cao ông Chỉnh là mô hình thành công nhất. Sau 3 năm, cây ca cao đã cho thu bói. Lứa đầu tiên gia đình ông thu gần trăm ký ca cao, giá bán vài chục triệu đồng. Từ hiệu quả mang lại gia đình ông đã phát triển được 600 gốc ca cao.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hiện nay nhu cầu dùng ca cao đang tăng, cung không đủ cầu. Ca cao đang được coi là cây trồng có nhiều triển vọng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Trong năm 2008, tỉnh Gia Lai đã triển khai dự án phát triển cây ca cao trên địa bàn một số huyện như: Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ, song đến thời điểm này chỉ có huyện Đức Cơ là thực hiện thành công mô hình này, với diện tích khoảng 60 ha.
Tuy nhiên, số hộ trồng cây ca cao trên địa bàn huyện vẫn còn ít bởi quy mô nhỏ lẻ. Đây là loại cây mới, người dân chưa hiểu rõ về kỹ thuật, hiệu quả, năng suất mang lại nên chưa dám mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, quy trình thu hái, sơ chế, bảo quản phải qua nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian và công sức. Sau khi thu hái ca cao và tách lấy hạt, phải tiến hành ủ, lên men hạt ca cao trong thời gian 4-7 ngày, sau đó phơi sấy. Khi phơi sấy phải đảm bảo nhiệt độ khối hạt không vượt quá 65 độ C, không được làm khô hạt quá nhanh hay quá chậm, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng hạt ca cao…
Tuy nhiên, ca cao là một giống cây dễ trồng, chịu hạn tốt. Vốn đầu tư ban đầu cũng như công chăm sóc chỉ khoảng 50% so với cây cà phê; thời gian cho thu hoạch 2-3 năm. Đây cũng là loại cây ít bị sâu bệnh, ra trái quanh năm, nhất là vào mùa mưa. Đặc biệt, loại cây này có khả năng chịu bóng râm nên có thể trồng xen canh với một số loại cây khác.
Hiệu quả ban đầu mang lại từ cây ca cao được xem là triển vọng mới của ngành nông nghiệp địa phương. Với mô hình này dự kiến đến năm 2015, huyện Đức Cơ sẽ có khoảng 200 ha tạo thành vùng sản xuất ca cao hàng hóa.

Thảo Nguyên

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI | Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Gia Lai
© 2010 Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai.
02 Trần Phú, TP Pleiku, Tỉnh Gia Lai - Tel: 0269. 3824404 - Fax: 0269. 3824711 - Email: vpubndtinh@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 09/GP-TTĐT cấp ngày 31/7/2017 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cấp - Người phụ trách: ông Nguyễn Văn Lộc