Ngày đầu thành lập, Trường THPT Pleiku tiếp quản Trường Trung học Tư thục Minh Đức cũ (địa chỉ 44 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku). Trong năm học đầu tiên, nguồn tuyển sinh chủ yếu đến từ các trường trên địa bàn thị xã Pleiku như: Minh Đức, Bồ Đề, Plei Me, Phạm Hồng Thái… Dù chỉ mới thành lập nhưng trong năm học 1975-1976 nhà trường đã có tới 25 lớp, trong đó có 3 lớp hệ bổ túc, với gần 1.200 học sinh. Đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, Trường THPT Pleiku ngày càng không ngừng lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng giáo dục.

Ảnh: Minh Vỹ
Chính vì thế đến năm học 1980-1981, trường được chia tách thành hai trường: THPT Pleiku 1 và THPT Pleiku 2. Năm học 1986-1987, phân hiệu Biển Hồ của Trường THPT Pleiku 1 được hình thành và tồn tại đến năm học 1990-1991, làm tiền đề cho Trường THPT Hoàng Hoa Thám hiện nay. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bậc THPT trên địa bàn Pleiku, đúng 10 năm sau, Trường THPT Pleiku 2 sáp nhập trở lại với THPT Pleiku 1 thành Trường THPT Pleiku.
Một năm sau, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo do Đảng và Nhà nước ta khởi xướng, Trường THPT Pleiku tiếp tục thực hiện sứ mệnh làm “bà đỡ”, tách số học sinh hệ B để thành lập thêm trường mới mang tên THPT Bán công Pleiku, sau đó đổi tên thành THPT Bán công Phan Bội Châu và nay là THPT Phan Bội Châu.
Chưa dừng lại ở đó, sau 27 năm đặt cơ sở tại địa chỉ 44 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku, đến năm học 2001-2002, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của một trường chất lượng cao đạt chuẩn quốc gia, Trường THPT Pleiku được xây mới hoàn toàn, khang trang, hiện đại, hoành tráng và chuyển ra địa điểm mới, đóng chân tại 90 Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Đồng thời giao cơ sở cũ lại để tiếp tục thành lập thêm trường mới THPT Bán công Lê Lợi, nay là Trường THPT Lê Lợi.

Học sinh của trường chuẩn bị biểu diễn văn nghệ. Ảnh: Minh Vỹ
Năm học 2005-2006, do số lượng học sinh lớp 9 tăng cao, trường được giao nhiệm vụ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 để chuẩn bị nguồn cho trường THPT mới. Một năm sau, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh được thành lập. Tất cả học sinh lớp 10 của trường học tại phân hiệu 2 (Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật-Hướng nghiệp-Dạy nghề Gia Lai) được chuyển về học lớp 11. Và đội ngũ cán bộ giáo viên cốt cán của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh được điều động từ Trường THPT Pleiku…
Nếu trong năm học đầu tiên, nhà trường chỉ có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 1.200 học sinh. Thì đến nay con số này lên tới 95 cán bộ, giáo viên được biên chế thành 12 tổ: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử-Giáo dục Công dân, Địa, Anh văn, Văn, Thể dục-Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Tin, Văn phòng.
Nhà trường phát huy tốt vai trò sức mạnh tập thể và năng lực của từng cá nhân trong công tác dạy-học. Đặc biệt nhà trường đã triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy-cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… Nhờ vậy, trong 5 năm trở lại đây chất lượng chuyên môn của trường được tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi năm có trên 99% học sinh được lên lớp thẳng, trên 98% học sinh lớp 12 thi đậu tốt nghiệp THPT, hơn 80% học sinh lớp 12 thi đậu và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm đạt 10-15 giải. Kể từ năm học 2008-2009, nhà trường thường xuyên cử đội tuyển dự kỳ thi Olympic 30-4 dành cho học sinh lớp 10, 11 và đạt kết quả tốt.
Bên cạnh hoạt động dạy-học, nhà trường luôn luôn quan tâm đến công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu kết nghĩa với các đơn vị bạn. Nhà trường kết nghĩa với Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) Trường THPT Buôn Ma Thuột (Đak Lak), THPT Kon Tum, Binh đoàn Tây Nguyên, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, Viện Quân y 211, làng Ốp, phường Hoa Lư (TP. Pleiku)… Nhiều hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa cũng được nhà trường chú ý triển khai và hoạt động tốt.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, trong suốt 36 năm qua, Trường THPT Pleiku đã cung cấp cho 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai trên 3 vạn học sinh bậc THPT và bổ túc THPT. Nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường này đang giữ một số vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Không ít cán bộ giáo viên được tôi luyện từ Trường THPT Pleiku đã, đang công tác, giữ cương vị lãnh đạo tại Sở Giáo dục-Đào tạo, cũng như tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Nhiều cựu học sinh của trường trở thành những doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh.
Ghi nhận những thành tích đã đạt được, thời gian qua, thầy trò Trường THPT Pleiku đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu. Đặc biệt, ngày 8-11-2011, nhà trường được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Đó là niềm vinh dự tự hào vô cùng to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà tập thể Hội đồng sư phạm của nhà trường phải không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên để đáp ứng lòng mong mỏi của toàn xã hội trong sự nghiệp “trồng người”.
Nguyễn Chương (Hiệu trưởng nhà trường)
Ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo:
Trường THPT Pleiku là một ngôi trường có bề dày truyền thống bậc nhất, rất đáng tự hào ở khối THPT tại tỉnh ta. Có rất nhiều điều để nói về ngôi trường này nhưng riêng bản thân tôi muốn đề cập đến ba vấn đề sau. Thứ nhất, mặc dù đây là một ngôi trường đảm nhận nhiệm vụ chính là giáo dục học sinh theo hình thức đại trà nhưng trong suốt thời gian dài vừa qua, Trường THPT Pleiku đã đóng góp rất nhiều học sinh giỏi quốc gia. Có những lúc số lượng lẫn chất lượng học sinh giỏi có thể cạnh tranh với Trường THPT Chuyên Hùng Vương, dù cho chế độ đãi ngộ đối với giáo viên không bằng trường chuyên biệt. Thứ hai, công tác xã hội hóa giáo dục ở Trường THPT Pleiku rất đáng để các trường khác nhân rộng. Rất nhiều cựu học sinh đã từng học dưới mái trường này, sau khi ra trường họ tiếp tục quay trở lại chung tay, góp sức chăm lo cho ngôi trường cũ của mình. Khóa trước gầy dựng nên, khóa sau tiếp tục bồi đắp thêm như dòng chảy không ngừng nghỉ. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với những ai đã từng giảng dạy, công tác ở ngôi trường này. Thứ ba, do tính chất đặc thù của một tỉnh miền núi như Gia Lai, nên ngoài việc phải tự chăm lo cho chính bản thân mình, Trường THPT Pleiku còn sắm vai trò “máy chủ”, làm tiền đề để thành lập thêm một số trường khác.
Thầy Trần Vẽ-Tổ trưởng Địa lý:
Trước năm 1975, tôi là học sinh của trường này, sau khi tốt nghiệp đại học tôi tiếp tục quay trở về công tác tại ngôi trường cũ cho đến tận bây giờ. Bởi vậy, tôi là người gắn bó lâu năm nhất đối với Trường THPT Pleiku. Là cựu học sinh, sau đó trở thành giáo viên giảng dạy tại đây, tôi luôn luôn nỗ lực hết sức mình trong mọi hoạt động. Từ năm học 1990-1991 đến nay, tôi thường xuyên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Tôi được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc giai đoạn 2001-2005. Trên cương vị Tổ trưởng chuyên môn kiêm Thư ký Hội đồng Sư phạm, điều mà tôi tâm đắc nhất ở trường này chính là môi trường sư phạm luôn luôn đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong tất cả các lĩnh vực. Tôi tự hào mình là giáo viên của Trường THPT Pleiku.
Bà Phan Thị Xuân-Phụ huynh em Hồ Thị Lan Hương lớp 10B3:
Gia đình tôi có 3 người con, do suốt ngày bận rộn với công việc kinh doanh, buôn bán nên ít có thời gian chăm sóc các con của mình. Tuy nhiên cả 3 đứa con tôi đã và đang học tại Trường THPT Pleiku đều rất ngoan và học giỏi. Hai cháu đầu đã tốt nghiệp đại học, hiện đã có việc làm ngay tại TP. Pleiku và thu nhập ổn định. Cháu út hiện đang học lớp 10… Nói tóm lại, Trường THPT Pleiku là một môi trường giáo dục toàn diện, lý tưởng. Khi gửi con em mình vào đây học tập, chúng tôi hoàn toàn có thể yên tâm về mọi mặt
Minh Vỹ (ghi)