Nhiều người dân trong buôn làng lúc đầu không khỏi ngỡ ngàng, chẳng biết hôm nay làng mình có chuyện gì mà xe công nông chở tôn vào ầm ầm, rồi đám thanh niên áo xanh chạy tới chạy lui khiêng đất, vác cây...
Những "tay thợ" ... nghiệp dư
Không phải dân xây dựng nhưng đội SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đóng quân tại làng BiaBre, xã Ia Pết, huyện Đắc Đoa (Gia Lai) tỏ ra khá chuyên nghiệp trong việc làm nhà. Cũng bản vẽ hẳn hoi, mặt trước, mặt sau đàng hoàng, tính toán tỉ mỉ từng chi tiết về kích thước, số vật liệu phải mua.
Kế hoạch ban đầu chỉ là sửa chữa hoặc chống dột nát trên cơ sở căn nhà cũ, nhưng hôm đi khảo sát chiến sĩ nhận thấy dàn cột đỡ ngôi nhà sàn của gia đình chị Phyang quá yếu, không an toàn cho năm mẹ con, thế là có bạn đề nghị: “Mình sửa lại thành nhà trệt luôn đi”. Cuộc hội ý chớp nhoáng diễn ra, nhưng tiền hỗ trợ chỉ có 500.000 đồng mỗi căn! Không sao, nếu thiếu mình sẽ bù thêm. Ngôi nhà chỉ còn sử dụng được duy nhất cái mái tôn cũ. Dàn cột cũng đã yếu lắm cần phải thay mới.
Đầu tiên là phải làm hàng móng xung quanh bằng đá vừa để tạo sự vững chắc cho ngôi nhà vừa giúp ngăn chặn heo ủi phá hư phần tôn chung quanh. Cả bọn lại hì hục cuốc đất nâng nền cao hơn để nước mưa không tràn vào được. Phải mất đến hai ngày ngôi nhà mới hoàn thành, rộng hơn và không còn lụp xụp như căn nhà cũ nữa. “Tổng quyết toán” lại, cả đội phải tự móc hầu bao bù thêm... gần 600.000 đồng mua vật liệu “vượt kế hoạch” nhưng “Ai cũng vui hết vì mai mốt mình về rồi nhưng ngôi nhà sẽ còn ở lại mãi với đồng bào”.
Còn tại xã Đêar, huyện Mang Yang (Gia Lai), 25 chiến sĩ nhận sửa chữa đến 14 nhà vậy mà chỉ mất ba ngày là hoàn thành nhiệm vụ, còn dư thời gian để đóng luôn hai chiếc giường từ những cây tre còn dư đê tặng hai gia đình quá khó khăn. Không chỉ tiết kiệm kiểu SV, nhiều chiến sĩ đã tự nhận mình là “người tính toán thấy sợ” sau khi tham gia sửa nhà. Không chỉ tính toán mua vật liệu sao cho vừa đủ với phương châm phải dùng cho hết mà còn tận dụng từng thứ có thể dùng lại được từ ngôi nhà cũ. Và không chỉ dùng sức mình, chiến sĩ còn lôi được cả làng cùng vào cuộc với họ. Xong công việc, đồng bào bắt sinh viên phải... gùi bắp về vì “mình chẳng có gì cám ơn, nhà chỉ có bắp thì cho bắp thôi”.
Chuyện ghi ở nhà sàn
Cơn mưa chiều bất chợt ập đến khá nặng hạt, mấy mẹ con chị Phyang chạy vội vào nhà. Ngôi nhà chị (ở làng BiaBre, xã Ia Pết, huyện Đắc Đoa) vắng bóng đàn ông chợt như ấm lại với những tiếng cười giòn tan của con trẻ. Đứa con út sau khi được cho bú đã ngủ ngon lành trên tay mẹ. Ba đứa trẻ còn lại quấn lấy mẹ bên góc nhà, không còn cái cảnh cả mẹ và con cùng chạy loanh quanh tìm chỗ khô ráo khi mưa về nữa.
Ngày trước, cả gia đình sáu người phải ở tạm trên đất nhà hàng xóm. Rồi sau một cơn sốt kéo dài, chồng chị đã ra đi mãi mãi khi đứa con út vừa tròn 12 ngày tuổi. Ngày anh còn sống, cả hai vợ chồng làm thuê làm mướn cũng chẳng đủ ăn, bữa đói bữa no lấy tiền đâu sửa nhà. Chị chẳng nói được gì ngoài mấy câu “bờ nê, bờ nê (cảm ơn)” khi in dấu tay vào biên bản bàn giao nhà rồi khóc. Nếu không có xã trợ cấp tôn có lẽ mái nhà chị vẫn còn phải lợp bằng tranh chứ dám mơ gì đến chuyện cả căn nhà bằng tôn như thế.
Còn ông Lêu (làng Artơman, xã Đêar, huyện Mang Yang) hôm nay không vội vào nhà. Ông ngồi đó rất lâu ngắm ngôi nhà sàn vừa như thân quen vừa như thật lạ với mình. “Vách tường” vốn liếp tre cũ kỹ đã được thay bằng những tấm tôn sáng lóa cả mắt. Ông vốn là du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 1968 bị địch bắt giam tại Pleiku. Đánh đập, tra tấn nhưng chẳng thể khai thác được gì nên cuối cùng chúng phải trả tự do cho ông. Ra tù ông vẫn tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày giải phóng. Tìm khắp nơi trong ngôi nhà sàn ấy cũng chẳng thấy được tài sản nào đáng giá.
Với ông, thứ quí giá nhất là tấm Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất do Chủ tịch nước tặng và tấm kỷ niệm chương do Thủ tướng tặng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày được treo trang trọng đối diện lối ra vào. Hôm nay, người lính cũ ấy lại có những giây phút hân hoan. Qua người thanh niên làng phiên dịch lại, ông nói mình ưng cái bụng lắm, vui lắm những đứa chiến sĩ mới này cũng thật... anh hùng và tấm lòng của người đồng bào dưới xuôi thật rộng lớn.
Còn rất nhiều câu chuyện về những đồng bào còn sống khó khăn. Còn nhiều những căn nhà cần được sửa chữa. Nhà anh chị H.Rum, nhà mẹ con chị Alem, nhà gia đình bà Uyr... Mùa hè xanh đã không lướt qua những nỗi khổ đó, những tấm lòng đã đến và mang cho những nhà sàn đêm vui không ngủ...
Tuổi Trẻ